Tiền chảy chỗ trũng
(ANTĐ) - Đã có những tranh luận khá gay gắt tại kỳ họp Quốc hội vừa qua: Nên ưu tiên mục tiêu chống lạm phát hay mục tiêu tăng trưởng kinh tế? Ưu tiên gì thì cũng không “bỏ quên” tác động trực tiếp của lạm phát “đánh” thẳng vào túi tiền của các tầng lớp xã hội. Đương nhiên, mức thu nhập của các nhóm dân cư rất khác nhau nên “cú đấm” lạm phát vào từng tầng lớp không giống nhau.
Nhìn bao quát, lạm phát làm “xói mòn” mức sống của những nhóm có thu nhập cố định như công nhân, viên chức, người về hưu, những người buôn bán nhỏ...
Đặc biệt, lạm phát có thể “hạ gục” dễ dàng nhóm người sống nhờ trợ cấp, không có sức lao động. Riêng với nhóm chủ doanh nghiệp, lạm phát chỉ là “đòn gió” chẳng ăn thua gì, ngược lại, khi giá cả tăng thì doanh thu, lợi nhuận lại tăng theo.
Các chuyên gia kinh tế có lý khi nhận định rằng, đang có sự “chuyển giao” thu nhập từ người cho vay và người làm công ăn lương sang cho chủ doanh nghiệp.
Bản chất của nó là người gửi tiền tiết kiệm và người làm công ăn lương không thể “xoay” theo lạm phát mà tăng thu nhập, còn người kinh doanh chẳng những có thể “xoay chuyển” theo sự tăng giá để bảo toàn thu nhập, mà còn thu thêm được phần lợi từ sức mua bị mất đi của nhóm kia.
Lạm phát được ví như dòng nước lũ, tuy âm thầm nhưng có sức cuốn rất mạnh thu nhập của người nghèo vào túi người giàu. Tiền chảy vào chỗ trũng là thế! Một khi lạm phát tăng cao và dai dẳng, người “khôn ngoan” sẽ cố gắng thoát thân bằng cách bám chặt “cái phao” cứu sinh an toàn hơn là nắm chặt đồng tiền.
Ngay cả các hình thức gửi tiết kiệm, nếu lãi suất không được ngân hàng điều chỉnh hợp lý, thì chỉ những người nhút nhát nhất thế giới mới khư khư giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm. Còn những người khôn hơn thì bỏ tiền đầu tư vào các tài sản khác.
Thoạt nhìn hình như đây là hiện tượng tích cực, nhưng về tổng thể xã hội lại dẫn tới nhiều bất lợi và bất an. Vụ lừa đảo trên mạng xuyên quốc gia của Colony invest và hàng chục đường dây “ma mãnh” là một bằng chứng đau xót.
Vì sao hàng vạn người dân nghèo từ thành thị tới nông thôn lại “nhắm mắt, sa chân” vào mạng lừa đảo này? Phải chăng họ không còn con đường nào khác để lựa chọn đầu tư tiền của? Họ cũng không đủ tiền và đủ “liều mạng” ném tiền vào nhà đất hay chứng khoán đang căng phình như bong bóng.
Có thể đạt được tăng trưởng kinh tế cao mà vẫn kiềm chế được lạm phát vừa phải hoặc thấp hay không? Câu trả lời là có thể. Hiện nền kinh tế vẫn phụ thuộc khá nhiều vào khu vực Nhà nước với vai trò là “động cơ” tăng trưởng. Khi khu vực này còn quá lớn, đương nhiên là Nhà nước phải cần nhiều vốn hơn.
Một giải pháp có sức cám dỗ ghê gớm là tài trợ vốn bằng lạm phát, tức là phát hành tín dụng ưu đãi cho khu vực Nhà nước đi liền với tăng cung tiền để giảm lãi suất thực. Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 khoảng 8,5-9% và lạm phát chỉ ở mức 5%.
E rằng nếu không chống lạm phát tận gốc và triệt để, thì nó còn diễn biến phức tạp, khó dự báo đường đi, hướng đổ bộ như một cơn bão lớn rình rập ngoài biển Đông, nhất là cộng thêm áp lực tăng lương, tăng mức lương tối thiểu lên 540.000 đồng/tháng. Tiền của người nghèo lại vẫn chảy vào túi người giàu.
Đan Thanh