Tiền ảo, "đau đầu" thật

ANTD.VN - Những đồng tiền ảo, Bitcoin, Etheneum, Ripple, Litecoin… không chỉ khiến các nhà đầu tư trong nước “quay cuồng” chóng mặt, còn làm cho cơ quan quản lý Nhà nước “đau đầu”. Công nhận hay phủ nhận đó là đồng tiền thế hệ mới, được gọi là “bất động sản trên Mặt trăng”?

Cơn sốt giá của một số loại tiền ảo trên thế giới đã lan chuyền sang nước ta, đang làm cho không ít nhà đầu tư trong nước nóng đầu, “bốc hỏa” toàn thân. Tiền ảo được giới đầu tư Việt Nam để mắt khoảng 5 năm gần đây. Không chỉ Bitcoin, các loại tiền ảo khác cũng “mê hoặc” họ vì giá mềm hơn Bitcoin lại có tốc độ tăng giá mạnh và khả năng thanh toán dễ dàng.

Tính đến cuối tuần qua, đồng Bitcoin trên thế giới được niêm yết ở mức 4.382 USD, chỉ riêng trong tháng 8 này đã tăng hơn 2.000 USD. Giá tăng “hoa mắt”, những tỷ phú tiền ảo xuất hiện liên tục, khiến một bộ phận nhà đầu tư trẻ, am hiểu công nghệ như “phát cuồng”. Mặc dù tiền ảo chưa được công nhận ở Việt Nam, nhưng với các nhà đầu tư, trong thời buổi công nghệ số bùng nổ, đây là kênh đầu tư hấp dẫn không thể bỏ qua.

Cho đến thời điểm này, trên thế giới vẫn tồn tại 2 quan điểm khác nhau về tiền ảo. Q uan điểm thứ nhất coi tiền ảo là một loại tiền thế hệ mới. Quan điểm thứ hai coi đây là một loại hàng hóa “bong bóng”, đầu cơ và không có giá trị thật. Tại nước ta tiền ảo vẫn nằm ngoài vòng pháp luật khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không coi đây là một loại tiền. Bộ Công Thương không coi là hàng hóa và Bộ Tư pháp không coi là loại tài sản.

Trong khi đó một số chuyên gia ngân hàng và luật sư cho rằng, tiền ảo là xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam không thể đứng mãi ngoài cuộc. Không phải ngẫu nhiên mà đã có 10 nước trên thế giới và hàng loạt tập đoàn lớn chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Đương nhiên, công nhận tiền ảo ở mức độ nào thì cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ.

Điều đáng quan tâm là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Quan điểm của NHNN chỉ công nhận tiền điện tử là một phương tiện thanh toán vì có nhiều rủi ro, dễ bị tấn công, dễ tiếp tay cho rửa tiền, trốn thuế.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc thừa nhận tiền ảo, đưa tiền ảo vào các văn bản quy phạm pháp luật sẽ là “thừa nhận để kiểm soát”, chứ không phải thừa nhận để khuyến khích phát triển. Trong khi chưa xác định được tiền ảo là xu thế hay “bong bóng” đầu cơ, thì sự thận trọng của các cơ quan quản lý là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, nước ta không thể cấm được tiền ảo. Câu hỏi đặt ra là quản hay không quản, nhất là không để làn sóng đầu cơ tăng mạnh, tiền ảo làm “đau đầu” thật việc điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.