Thủy điện miền Trung ồ ạt xả lũ, nhiều khu vực ngập sâu

ANTD.VN - Ngày 2-11, mưa tại các tỉnh miền Trung đã ngớt nhưng do các thủy điện ồ ạt xả lũ nên tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, tình trạng ngập lụt vẫn diễn ra nghiêm trọng, nhiều nơi bị cô lập.

Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bị cô lập trong nhiều ngày

Nam Trà My bị cô lập

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm  96 nhà bị hư hỏng, 20.495 nhà bị ngập. Riêng Quảng Bình có 35 điểm trường, 300 phòng học, 6 cơ sở y tế bị ngập nước. Tại Hà Tĩnh, các trục đường giao thông liên xã, huyện tại các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên; vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ và hồ Sông Rác bị ngập 0,5-1m, có nơi bị ngập cục bộ 1-2m gây ách tắc giao thông.

Mưa lớn những ngày qua ở 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam khiến nhiều công trình giao thông bị hư hỏng, ngập sâu trong nước, giao thông nhiều nơi bị gián đoạn cục bộ trong nhiều ngày. Ngày 2-11, mưa lũ khiến nước sông Trường dâng cao; ngầm vượt sông Trường ngập sâu, sạt lở nghiêm trọng, giao thông từ huyện Nam Trà My đến các địa phương khác trong tỉnh bị ách tắc nhiều ngày liên tiếp. 

Trong ngày 2-11, Công ty CP công trình giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đã điều động hàng chục thiết bị và công nhân đến vị trí sạt lở để sau ủi lượng đất đá bị vùi lấp, đảm bảo giao thông thông suốt. Tuy nhiên, do ngầm sông Trường bị ngập sâu, việc tiếp cận hiện trường chưa thực hiện được nên công tác khắc phục bị đình trệ. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm cống bản tại km 84 QL40B bị sập hoàn toàn khiến giao thông trên tuyến quốc lộ này tiếp tục khó khăn trong những ngày tới.

Đồng loạt xả lũ

Cũng trong ngày 2-11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát lệnh yêu cầu chủ các hồ chứa nước Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch phải mở cửa điều tiết nước về hạ du, bắt đầu từ đầu giờ chiều 2-11. Theo đó, các nhà máy điều tiết về hạ du theo hướng phải tăng dần nhưng tránh xả đột biến, khoảng từ 350-500m3/s để hạ mực nước của hồ chứa trở về mức đón lũ theo quy định. Hiện mực nước lũ trên sông Hương, sông Bồ đang lên chậm. 

Tại Hà Tĩnh, vẫn còn hàng nghìn hộ dân bị ngập, trong ngày 2-11 trên địa bàn tỉnh có 7 hồ đang xả tràn như thủy điện Hố Hô, hồ Kẻ Gỗ… Theo đó, đến chiều 2-11, toàn tỉnh vẫn còn 1.080 hộ dân bị ngập. Đặc biệt, ở huyện Hương Khê, có tới 17/22 xã có hộ dân bị ngập, trong đó có 5 xã bị cô lập hoàn toàn.

Toàn huyện có 3 trường học bị ngập, vì vậy hơn 4.600 học sinh của 3 cấp đã phải nghỉ học. Do mưa lớn nên một số hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã phải xả lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa… Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh cho biết, điều lo lắng nhất hiện nay là tình hình ngập lụt hạ du các công trình hồ chứa.

Các công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, thủy điện Hố Hô đang tiếp tục xả lũ, mặc dù mức độ xả lũ không lớn như trận mưa lũ trước nhưng cũng làm gia tăng tình hình ngập úng ở vùng hạ du. Trước tình hình đó, bằng mọi biện pháp, lực lượng chức năng sẽ tập trung sơ tán dân đến nơi an toàn, không để người dân bị thiếu đói khi đi tránh mưa lũ.

Tại tỉnh Quảng Bình, nước lũ cũng rút chậm, nhiều huyện vẫn ngập như Quảng Trạch, Ba Đồn, Quảng Ninh… Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Quảng Trạch, toàn huyện có gần 2.200 ngôi nhà bị ngập trong đợt lũ vừa qua. Mức ngập trung bình từ          0,5-3m.

Đặc biệt, tại huyện Quảng Ninh, đến cuối ngày 2-11, còn trên 7.000 ngôi nhà bị ngập lụt, trong đó nhiều ngôi nhà ngập sâu từ 1m trở lên, ảnh hưởng tới hơn 10.000 hộ gia đình. Huyện này vẫn còn 8 xã bị chia cắt. 

Trong khi đó, mưa lũ tiếp tục “mở rộng” sang các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với gió Đông trên cao nên từ ngày 2 đến 4-11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định 100-300mm, có nơi trên 300mm. Như vậy, tình hình ngập lụt tại các tỉnh miền Trung sẽ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

Đã có 9 người chết và mất tích, 7 người bị thương

Thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), tính đến 16h ngày 2-11 đã có 7 người chết, 2 người mất tích và 7 người bị thương do mưa lũ. Trong đó, tỉnh Quảng Bình thiệt hại nặng nhất với 6 người chết và 2 người mất tích, 6 người bị thương.

Còn tại tỉnh Quảng Trị có 1 người chết và 1 người bị thương. Trong ngày, các lực lượng quân đội cũng huy động 1.760 CBCS, dân quân cùng 35 ô tô, 18 tàu thuyền các loại hỗ trợ người dân ứng phó với mưa lũ; các đơn vị quân đội đã sơ tán 485 hộ dân trong các vùng ngập sâu ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh; di chuyển 230 học sinh của trường THCS Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Hà Tĩnh ra khỏi vùng ngập sâu đến nơi an toàn.