Thưởng Tết đâu phải ban ơn!
(ANTĐ) - Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản yêu cầu một số sở trực thuộc báo cáo về kế hoạch thưởng Tết. Mục đích nhằm nhắc nhở các địa phương đôn đốc các doanh nghiệp, tránh việc không thưởng Tết, minh bạch hoạt động này, đặc biệt thưởng Tết càng có ý nghĩa trong giai đoạn giá cả tăng...
Văn bản này yêu cầu, trước ngày 20-12, các sở LĐ-TB&XH trực thuộc Trung ương phải gửi báo cáo tổng hợp tình hình lương, kế hoạch thưởng Tết đối với người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, thông tin phải được phân tích và chia nhóm thành các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp có phần vốn nhà nước, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, báo cáo cũng phải đưa ra được mức lương, thưởng cao nhất, mức trung bình và mức thấp nhất... Mục đích nhằm giúp cơ quan quản lý nắm được tình hình lương, thưởng tại các doanh nghiệp, qua đó có biện pháp điều chỉnh.
Lương và thưởng hiện tại có sự giãn cách lớn, tùy thuộc vào đặc thù, ưu thế riêng của từng ngành nghề, vị trí và khu vực. Nếu tính trung bình, mức lương của công nhân ở các khu công nghiệp tại Hà Nội chỉ đạt từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng thì lương của một số cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp có thể đạt đến mức cả trăm triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, thưởng tháng có con số lớn cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, về quan hệ tiền lương thưởng như vậy là chưa “ổn” dưới góc độ quản lý.
Theo các chuyên gia về lao động khuyến cáo, ở thời điểm cuối năm, doanh nghiệp nên nhìn nhận lại những đóng góp của người lao động trong suốt cả năm thông qua hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, việc san sẻ lợi nhuận với người lao động một cách công khai minh bạch là điều cần thiết và nên làm. Bởi làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ là người hưởng lợi từ sự cố gắng trong những năm sau của người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nên nhìn nhận người lao động như một tài sản, là nguồn vốn của doanh nghiệp thì mới có thể có cách ứng xử đúng trong chuyện trả lương và thưởng Tết.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học LĐ-TB&XH nhiều lần khẳng định, người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp biết đầu tư đúng, người lao động sẽ cống hiến và sẽ có vòng xoáy đi lên. Ngược lại, nếu không có sự quan tâm đúng mức sẽ rơi vào vòng xoáy đi xuống và doanh nghiệp sẽ khó có cơ hội phát triển.
Thực tế tại thị trường lao động vốn đang có nhiều bất hợp lý đã chứng minh, nếu doanh nghiệp không có sự đầu tư, quan tâm tới người lao động thì khó có thể giữ chân được người lao động, nhất là trong tình trạng lao động không muốn vào khu công nghiệp, khu chế xuất như hiện nay.
Các doanh nghiệp đang thiếu lao động một cách trầm trọng, nếu đãi ngộ không tốt rất có thể xảy ra tình trạng nhảy việc hoặc đình công của người lao động. Thống kê cho thấy, từ năm 2009 đến nay, toàn thành phố đã xảy ra 27 cuộc đình công. Nguyên nhân chủ yếu là do mức lương thấp, không đủ bù đắp những chi phí sinh hoạt của người lao động cũng như tái tạo sức lao động.
Thưởng Tết không phải là sự ban ơn, phần nào đó thành quả của doanh nghiệp cũng nhờ sự đóng góp của người lao động. Doanh nghiệp không thể hoạt động được nếu thiếu người lao động; ngược lại, đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn người lao động cũng cần phải chia sẻ và cảm thông.
Huệ Chi