Thưởng Tết 2016: Có thể là 2-3 tháng lương?

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết: “Ở một số doanh nghiệp, có chuyện thưởng Tết 2-3 tháng lương là do họ lấy quỹ lương 12 tháng chia cho 13. Thực chất, số tiền thưởng tăng thêm là tiền lương của từng tháng dồn lại. Tất nhiên, người lao động nghe được thưởng 2-3 tháng lương sẽ vui hơn.”

Thưởng Tết 2016: Có thể là 2-3 tháng lương? ảnh 1Với đa số người lao động thưởng Tết tác động lớn đến cuộc sống. Ảnh: PHÚ KHÁNH

                                                                          

Nên thưởng ít nhất 1 tháng lương

Thời điểm này, câu chuyện được người lao động quan tâm nhất chính là tình hình lương, thưởng Tết. Tại một số doanh nghiệp người lao động được thưởng 2-3 tháng lương, một số khác lại không. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, tiền thưởng Tết Nguyên đán 2016 có thể tăng hơn một chút so với năm trước. Tuy nhiên, sẽ khó có đột phá (mức tăng trung bình khoảng 5%).

Hiện nay, chưa có đơn vị nào báo cáo nên Bộ LĐ-TB&XH chưa nắm được mức thưởng Tết cao nhất nhưng dự báo mức thưởng bình quân của doanh nghiệp phổ biến là 1 tháng lương. Dù vậy, mức thưởng Tết thấp nhất, khoảng 200.000-500.000 đồng/người chắc chắn sẽ có bởi nhiều nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Phạm Minh Huân, Bộ LĐ-TB&XH mong muốn các địa phương vận động doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm, đảm bảo thưởng Tết bằng ít nhất 1 tháng lương là tốt nhất.

Về hiện  tượng thưởng Tết bằng hiện vật đã từng diễn ra những năm trước, ông Phạm Minh Huân khẳng định, không có quy định nào cấm việc này. Nếu doanh nghiệp không bán được sản phẩm, người lao động nhận hiện vật thay tiền cũng là cách cùng nhau chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng nói là giá trị của hiện vật là 10 thì sau khi nhận. người lao động bán ra để lấy tiền tiêu Tết chỉ còn có 6-7. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý để người lao động đỡ thiệt thòi.

Không can thiệp chuyện thưởng Tết

Với đa số người lao động thưởng Tết là động lực quan trọng để phấn đấu làm việc. Do đó, người lao động mong ngóng tiền thưởng cuối năm cũng là điều dễ hiểu. Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, tháng lương thứ 13 là cách gọi tên một khoản tiền thưởng cuối năm, được thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Nhiều người lao động thường nhầm lẫn cho rằng lương tháng lương thứ 13 là khoản tiền mặc nhiên được nhận vào cuối năm, là quyền lợi đương nhiên. Tuy nhiên, cách hiểu này không đúng. 

Căn cứ quy định tại Điều 103 - Bộ luật Lao động, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.

Như vậy, pháp luật luôn khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ đối với người lao động nhưng không bắt buộc việc trả thưởng vào các dịp lễ, Tết. Người sử dụng lao động được quyền chủ động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Đây được coi là cách để khuyến khích nâng cao năng suất lao động. 

Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - kinh tế xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, việc thưởng Tết nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào quá trình sản xuất, kinh doanh cả năm. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn vận động, khuyến nghị các cơ quan, doanh nghiệp nên thưởng Tết cho người lao động nhưng không khuyến khích việc đòi hỏi, ép người sử dụng lao động phải thưởng trong mọi trường hợp.

Theo ông Đặng Quang Điều, nếu cơ quan, doanh nghiệp làm ăn tốt, lợi nhuận cao thì thưởng Tết là điều hết sức cần thiết. Vì ngoài yếu tố khuyến khích, trong nhiều trường hợp, thưởng Tết còn mang yếu tố giữ chân người lao động, khiến họ gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp thêm ít nhất 1 năm nữa. Ngược lại, nếu doanh nghiệp làm ăn không thuận lợi, không có thỏa thuận thì thưởng Tết hoàn toàn do phía cơ quan, doanh nghiệp tự cân đối, cơ quan quản lý không có quyền can thiệp.

Làm thêm ngày lễ, Tết hưởng lương bằng 300% ngày thường 

Theo quy định của pháp luật lao động, người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm ít nhất bằng 300%, chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định.