Thương hiệu Việt xuất ngoại
(ANTĐ) - Một tin gây xôn xao giới doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, đó là từ hôm nay 1-9, cà phê Trung Nguyên sẽ khai trương cửa hàng cà phê đầu tiên theo mô hình nhượng quyền (Franchise) tại Singapore.
Ngoài các yếu tố về mặt kỹ thuật của kinh doanh nhượng quyền như tính nhất quán, chuẩn hóa sản phẩm..., các cửa hàng của Trung Nguyên được xây dựng thành một không gian văn hóa Tây Nguyên Việt Nam. Thương hiệu Việt xuất ngoại đồng thời cũng mở ra cơ hội quảng bá văn hóa Việt.
Lâu nay, chúng ta mới chỉ quen với việc các thương hiệu nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam. Đồ ăn nhanh KFC, Lotteria, cà phê Starbucks... những thương hiệu từ Mỹ, Hàn Quốc đã tràn ngập tại các đô thị lớn. Còn thương hiệu Việt nhượng quyền ở nước ngoài, cùng với Trung Nguyên, nghe nói Phở 24 cũng chỉ mới thiết lập được 1 cửa hàng tại Indonesia.
Thực tế là Việt Nam hiện nay thực sự chưa có thương hiệu nào nổi bật trên thị trường thế giới. Suốt một thời gian dài, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về thương hiệu, dẫn đến việc thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu không cao.
Cách đây chưa lâu, tại một cuộc hội thảo về việc xây dựng thương hiệu Việt Nam trong thời kỳ gia nhập WTO, các đại biểu đã bàn cãi rất nhiều mà không tìm ra nổi một thương hiệu tiêu biểu của các doanh nghiệp Thủ đô.
Tuy nhiên, khi ý thức về thương hiệu đã được nâng cao hơn thì sự thiếu hiểu biết và chậm trễ trong các hoạt động thương mại quốc tế đã dẫn đến tình trạng nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị các công ty nước ngoài mua lại để khai thác trên thị trường quốc tế, làm cho doanh nghiệp Việt Nam bị lép vế. Sản phẩm của mình, thương hiệu của mình, nhưng lại đối mặt với nguy cơ mất hẳn thị trường vào tay người khác.
Xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và in dấu ấn thương hiệu vào người tiêu dùng là cực kỳ khó khăn. Trong nền kinh tế thị trường, thương hiệu cũng là tiền. Đăng ký sở hữu thương hiệu tại thị trường nước ngoài và chi phí để bảo vệ thương hiệu tại thị trường đó là một việc làm tốn kém vất vả, nhưng không thể không làm. Bởi thế, cần phải có sự giúp đỡ của Nhà nước, Chính phủ.
Những thương hiệu lớn sẽ không chỉ là tài sản riêng của doanh nghiệp, mà còn là tài sản của cả quốc gia. Sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ trong lĩnh vực xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, sẽ là chất xúc tác quan trọng để ngày càng có nhiều thương hiệu Việt bước chân ra thị trường thế giới.
Minh Hoàng