Thương cho… thương hiệu

(ANTĐ) - Qua ba năm triển khai, bước đầu đã lựa chọn được một số sản phẩm, dịch vụ đủ tiêu chuẩn để gắn biểu trưng Thương hiệu Quốc gia. Đây là việc làm rất cần thiết và cấp bách để các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và phát triển thương hiệu Việt Nam ra thế giới.

Thương cho… thương hiệu

(ANTĐ) - Qua ba năm triển khai, bước đầu đã lựa chọn được một số sản phẩm, dịch vụ đủ tiêu chuẩn để gắn biểu trưng Thương hiệu Quốc gia. Đây là việc làm rất cần thiết và cấp bách để các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và phát triển thương hiệu Việt Nam ra thế giới.

Lâu nay, nhắc đến Việt Nam, thế giới thường nói tới gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, may mặc… Những sản phẩm xuất khẩu luôn chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới, nhưng không có nghĩa là những thương hiệu có tiếng được người tiêu dùng các nước ưa chuộng và lựa chọn. Nói cụ thể như cà phê, nước ta hiện đứng đầu thế giới về sản xuất cà phê robusta, sản lượng hàng năm lên đến 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt tới 1,7 tỷ USD.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu cà phê nhân (nguyên liệu) không có thương hiệu lên đến 95%, trong khi ở  Brazil hơn 50% sản lượng cà phê thu hoạch được chế biến rồi mới xuất khẩu. Hương vị cà phê Brazil “bay” khắp thế giới, còn cà phê Việt Nam không ai hay biết, may ra chỉ “thơm” lẩn quẩn trong nước. Gạo Việt Nam cũng có “thân phận” hẩm hiu như thế. Mang tiếng xuất khẩu đứng thứ hai thế giới mà chưa bao giờ hạt gạo nước ta vượt được gạo Thái cả về chất lượng lẫn giá cả. Hạt tiêu, hạt điều cũng “tiêu điều” không kém.

Xuất khẩu không thua kém ai nhưng vì sao nông dân vẫn “lên bờ, xuống ruộng”, hết chặt lại trồng? Mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chọn ra 3 trong số 5 mặt hàng xuất khẩu đỉnh cao của “Câu lạc  bộ xuất khẩu  1 tỷ USD”, để nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của thương hiệu Việt Nam trong ngành may mặc, thủy sản và điện tử. Kết quả cho thấy, mặc dù là 3 mặt hàng xuất khẩu đỉnh cao trong “làng” xuất khẩu Việt Nam, song bước chân vào thị trường thế giới thì đều đứng cuối hàng thấp nhất. Giá trị gia tăng thấp, được sản xuất ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế; mức độ đa dạng hóa thị trường thấp, hiệu quả kinh doanh thấp.

Thế mới biết, ở trong nước thì tưởng là “đại gia” ghê gớm, mà bước ra thế giới cũng chỉ là “tiểu gia, tiểu thương”. Có người đã ví von những ngành mũi nhọn xuất khẩu này chẳng khác gì những người đầu to, chân nhỏ. Trông quy mô thì rất “hoành tráng”, còn thực chất thì thiếu nguồn nhân lực cả số lượng lẫn chất lượng, bất ổn về lao động; phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, công nghệ máy móc thiết bị cũng nhập khẩu nốt; mô hình gia công xuất khẩu “lấy công làm lãi” trước đây là ưu thế, nay đang trở nên thất thế và là trở ngại lớn.

Theo nhận định của Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, không nên đổ hết lỗi cho doanh nghiệp, bởi hiện nay môi trường chính sách không đủ khuyến khích và kích thích doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước tuy có nhiều nhưng rải rác ở nhiều nơi và thiếu nhất quán. Đặc biệt, tính thực thi thấp, doanh nghiệp vẫn ngại cơ chế “xin cho” trong khi các chính sách liên quan đến xuất khẩu khá rời rạc, không kích thích liên kết sản xuất và hợp tác để giảm chi phí, tăng lãi suất. Nói ngắn gọn là, chính sách phát triển ngành chưa chú trọng nâng cao năng lực doanh nghiệp xuất khẩu, mới chỉ phát triển phần ngọn, chưa chăm lo phần gốc.

Nếu chỉ nhìn vào nhiều tỷ USD thu được từ xuất khẩu hàng hóa, nông sản Việt Nam, thì e rằng niềm tự hào đặt chưa đúng lúc. Phải nhìn sâu vào “sức khỏe”, thực lực và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế, mới thật sự thương cho Thương hiệu Quốc gia giữa “biển cả” hội nhập kinh tế thế giới.

Đan Thanh