Thuốc ung thư giả rất khó "lọt" vào bệnh viện

ANTD.VN - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội Trần Đăng Khoa cho biết, rất khó để thuốc giả vào được bệnh viện song nếu thuốc kém chất lượng “lọt” vào thì bác sĩ cũng khó biết ngay được.

Những ngày qua, vấn đề thuốc điều trị ung thư đang được dư luận rất quan tâm sau vụ VN Pharma nhập lậu hơn 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capital. Đến thời điểm này, đại diện Bệnh viện K Trung ương cũng như Bệnh viện Ung bướu Hà Nội (bệnh viện đầu ngành về ung thư của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc) đều khẳng định chưa từng sử dụng thuốc này.

Thuốc ung thư giả rất khó "lọt" vào bệnh viện ảnh 1Các loại thuốc đấu thầu vào bệnh viện đều được xem xét chặt chẽ

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan cấp phép

Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, vấn đề kiểm soát thuốc chữa bệnh, từ chất lượng thuốc, giá cả đến kê đơn thuốc luôn được bệnh viện rất chú trọng. Tuy vậy, với các cơ sở khám chữa bệnh, để đảm bảo được chất lượng thuốc đến tay người bệnh, biện pháp quan trọng nhất là phải thực hiện tốt việc đấu thầu thuốc hoặc tổ chức lựa chọn, nhập về các loại thuốc đã trúng thầu qua đấu thầu tập trung ở Bộ Y tế hoặc Sở Y tế.

Trong đó, việc đấu thầu thuốc phải đảm bảo được thực hiện nghiêm túc, chỉ các loại thuốc đã được Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cấp visa (thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam) mới được tham gia dự thầu, có nghĩa là trước khi được tham gia đấu thầu để cung ứng vào các bệnh viện thì tất cả loại thuốc đều đã được thẩm định về chất lượng bởi các cơ quan cấp phép, kiểm nghiệm. Nói cách khác, trách nhiệm đầu tiên nếu không may để “lọt” lô thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không đạt điều kiện cung ứng vào các bệnh viện phải thuộc về các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, thẩm định, tổ chức đấu thầu. 

“Ở Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức một đội dược lâm sàng gồm 6 dược sĩ, hàng ngày theo dõi, ghi nhận hiệu quả điều trị của các loại thuốc, những phản ứng, tác dụng phụ của thuốc. Từ đó, nếu phát hiện có vấn đề gì sẽ báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền và phản ánh đến công ty dược cung ứng loại thuốc đó, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh” - ông Trần Đăng Khoa cho biết.

Từ thực tiễn điều trị, PGS.TS Trần Đăng Khoa cho rằng, ở bệnh viện nào bộ phận dược lâm sàng làm tốt vai trò của mình thì chất lượng thuốc đến với người bệnh sẽ được đảm bảo tốt. Qua theo dõi hàng năm của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tỷ lệ thuốc vào bệnh viện có vấn đề rất ít gặp. “Dù vậy, bệnh viện chỉ là nơi sử dụng thuốc chứ không đủ khả năng để đánh giá được chất lượng thuốc hay lô thuốc nào là thuốc kém chất lượng. Để xác định chính xác được loại thuốc giả hay kém chất lượng ngoài căn cứ trên hồ sơ giấy tờ thì bắt buộc phải qua kiểm nghiệm” - PGS. TS Trần Đăng Khoa chia sẻ. 

Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng khẳng định, đến thời điểm này, chưa có một loại thuốc nào của Công ty CP VN Pharma trúng thầu vào Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và bệnh viện này cũng chưa từng sử dụng loại thuốc điều trị ung thư H-Capital của VN Pharma.

Thuốc vào bệnh viện phải qua nhiều "hàng rào"

Cũng liên quan đến vụ VN Pharma nhập lậu hơn 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capital, lãnh đạo Bệnh viện K Trung ương cho biết, thuốc H-Capita chưa từng trúng thầu và chưa bao giờ được sử dụng tại Bệnh viện K. Đại diện Bệnh viện K nhấn mạnh, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa hai khái niệm “thuốc giả” và “thuốc nhập lậu” (hay còn gọi là thuốc không đầy đủ giấy tờ nhập khẩu, lưu hành). Cụ thể, thuốc nhập lậu không nhất thiết là thuốc giả và ngược lại thuốc giả không nhất thiết là do nhập lậu. Để khẳng định thuốc là giả, cần có kết luận kiểm nghiệm thành phần thuốc của cơ quan có thẩm quyền.

Về vấn đề này, theo PGS Phạm Duy Hiển, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện K Trung ương, nạn thuốc giả nói chung, kể cả thuốc điều trị ung thư giả không phải bây giờ mới gặp mà vẫn luôn tồn tại. Song để các loại thuốc giả này được đưa ra thị trường tiêu thụ, đặc biệt được cung cấp vào các bệnh viện là rất khó bởi muốn được cung cấp vào bệnh viện thì phải qua một hội đồng khoa học của bệnh viện và qua hàng rào của các bác sĩ chuyên gia chấm thầu.

Theo quy định về đấu thầu thuốc, các loại thuốc tham gia đấu thầu sẽ được phân chia thành 5 nhóm. Cũng theo quy định, trong cùng một nhóm đấu thầu, nếu cùng một loại thuốc, cùng một hoạt chất thì thuốc của doanh nghiệp cung ứng nào có giá rẻ nhất sẽ trúng thầu.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đăng Khoa cho biết, hiện tại, bệnh viện đang sử dụng hàng nghìn loại thuốc khác nhau, có cả những loại biệt dược, thuốc được sản xuất ở các nước tiên tiến cũng như thuốc sản xuất trong nước. “Quan điểm của tôi là phải điều trị cho người bệnh bằng loại thuốc tốt nhất và đương nhiên thuốc tốt nhất thì thường là thuốc đắt tiền” - PGS. TS Trần Đăng Khoa nói.