Thuốc giả từ đâu?

ANTĐ - Thông tin mới nhất cho biết đã có hơn 110 lô thuốc đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đình chỉ lưu hành do không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng trong hai năm 2013-2014. 

Dùng hàng giả loại nào cũng nguy hiểm, nhưng thuốc (và cả thực phẩm chức năng) giả là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người thì càng nguy hiểm, bởi nguy hại trực tiếp đến tính mạng con người. Thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng là vấn đề nhức nhối lâu nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng. Thuốc giả trước hết không thể chữa được bệnh làm bệnh sẽ diễn biến xấu đi, khó lường gây kháng thuốc, nhờn thuốc. Trong trường hợp xấu nhất có thể gây tử vong cho người bệnh. Thế nhưng, hầu hết người tiêu dùng sử dụng loại hàng giả đặc biệt này đều không hề biết. Một khi  vì bệnh nặng mà ra đi thì thân nhân cũng chỉ tự ủi an là do… số phận chứ đâu có biết thần chết chính là những lô thuốc giả, không biết mình đã từng mua và dùng phải thuốc giả với giá nhiều khi còn đắt hơn thuốc thật! 

Ở hầu hết phố nào của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị khác… đều có dăm ba hiệu thuốc, tiếng là có chủ nhân là dược sĩ, tiếng là đạt tiêu chuẩn GPP. Thế nhưng khi các cơ quan chức năng kiểm tra định kỳ, rồi đột xuất vẫn có những sản phẩm thuốc giả được phát hiện bán ở một số quầy thuốc. Nếu không có chuyên môn, chỉ bằng mắt thường khó phát hiện và phân biệt đâu là thuốc giả - thuốc thật. Nhiều chủ hiệu thuốc có khi cũng không nhận biết được, chỉ thấy giá rẻ hơn là ham. Không chỉ bán cho  các cửa hàng thuốc, các trung tâm kinh doanh dược phẩm, mà thậm chí thuốc giả còn tuồn được vào cả bệnh viện… Một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã bị kiểm điểm vì việc này.      

Câu hỏi phải đặt ra là: Khi nào chúng ta kiểm soát được việc kinh doanh thuốc giả ngoài thị trường? Khi các vụ sản xuất, kinh doanh thuốc giả liên tiếp bị phát hiện, các đối tượng khai đã hoạt động trong một thời gian, vậy thì đã có bao nhiêu loại thuốc giả đã và đang lưu hành chưa bị thu giữ?

Điều 157 BLHS quy định tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm trong trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Thế nhưng, trong thực tế, cũng không mấy đối tượng sản xuất mức giả bị xử mức án ở khung hình phạt cao.

Tân dược là mặt hàng chuyên biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, cần phải được quản lý và kiểm tra ngặt nghèo và phải tăng các biện pháp, chế tài xử lý đối với các đối tượng có hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán và tàng trữ thuốc giả. Phải ngăn chặn từ đầu nguồn để thuốc không được phép lưu hành, và không thể đợi những người này thức tỉnh lương tâm! Chờ được vạ thì má sưng!