“Thuốc” đặc trị nào cho nhà dị dạng?
(ANTĐ) - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có tới 172 căn nhà siêu mỏng, có kích thước hình học không phù hợp với quy định về kiến trúc, cảnh quan và đa số được xây dựng trong vài năm gần đây. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại quận Thanh Xuân (82 công trình), quận Cầu Giấy (19 công trình), quận Đống Đa (12 công trình), quận Hai Bà Trưng (11 công trình)...
Ngày 5-1, UBND TP Hà Nội đã ban hành kết luận về một số biện pháp giải quyết các trường hợp đất không đủ điệu kiện về mặt bằng để xây dựng, xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn.
Theo đó, đối với các trường hợp được phép xây dựng nhà trên thửa đất có hình dạng khiến công trình có hình dáng kiến trúc mỏng, méo thì Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND các quận, huyện phải có trách nhiệm buộc đơn vị tư vấn, chủ đầu tư phải có giải pháp kiến trúc thỏa đáng, khắc phục nhược điểm, phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh trước khi thỏa thuận về quy hoạch, kiến trúc hoặc cấp phép xây dựng theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, như vậy sẽ càng khó khăn hơn cho các đơn vị cơ sở trong việc kiểm tra phát hiện và giải quyết các công trình sai phép như vậy. Bởi, thay vì kiên quyết xử lý tận gốc những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo chúng ta lại đang dần tiệm cận việc thỏa hiệp với chúng.
Hơn nữa, lại thêm một phần trách nhiệm nặng nề cho Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND các quận, huyện trong việc đôn đốc, buộc đơn vị tư vấn, chủ đầu tư trong việc tìm giải pháp kiến trúc thỏa đáng. Trong khi vẫn chờ các quy định, văn bản pháp lý được đưa vào thực hiện thì những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn liên tục mọc lên cùng với những con đường mới được mở rộng.
Khó khăn cho người dân Việc mở đường đã đưa người dân vào tình thế khó xử, Nhà nước không thu hồi hết, còn vài mét đất thì họ phải xây dựng để mưu sinh. Bởi nếu không xây dựng, chỗ đất đó sẽ bị bỏ phí. Việc để hoang một khoảng đất giữa những ngôi nhà san sát mọc lên càng khiến cho bộ mặt tuyến phố đó thêm nhếch nhác. Nhà tôi cũng nằm trên tuyến phố bị thu hồi đất. Tuy rằng sau khi thu hồi, diện tích đất còn lại vẫn đủ để được phép xây dựng theo quy định. Nhưng với những hộ dân bị thu hồi gần hết diện tích đất, hơn nữa chỗ đất bị thu hồi lại chưa đủ để được đền bù vào khu tái định cư thì người dân biết vào đâu để ở. Tôi cho rằng, khi có quy hoạch mở đường, Nhà nước cần phải tính đến việc xây dựng ngay gần đó những chung cư cao tầng và lập quỹ nhà ở tái định cư cho những người dân bị thu hồi đất, với những hộ có diện tích đất bị thu hồi ít cần có chính sách hỗ trợ cho họ có đủ điều kiện để mua nhà tái định cư. Như vậy mới giải quyết được triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo hiện nay. Anh Hoàng Công Dũng (Phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) |
Tại nơi giao cắt giữa đường Khuất Duy Tiến với Lê Văn Lương nối dài vừa thông xe chưa đầy 4 tháng hiện đầy rẫy nhà siêu mỏng, siêu méo. Mỗi nhà một kiểu thiết kế, một cốt nền khác nhau xiên xẹo, méo mó. Nhiều căn nhà mặt phố có chiều ngang chỉ 2m cũng được xây 4-5 tầng, ban công, biển quảng cáo đua nhau lấn chiếm vỉa hè.
Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn Diễn - Nhổn thuộc huyện Từ Liêm là tuyến đường giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Tây thành phố Hà Nội. Mặc dù đang trong giai đoạn thi công, nhưng hai bên đường, nhiều ngôi nhà với hình thù kỳ dị đã kịp mọc lên. Trên tuyến đường dài chưa đầy 5km, có không dưới 50 ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang trong giai đoạn hoàn thiện chưa kịp đề số nhà và đang tiếp tục xây dựng nằm xen kẽ lẫn nhau. Hầu hết các ngôi nhà này đều thuộc diện không đủ tiêu chuẩn xây dựng.
Nguyên nhân chính dẫn đến phát triển tràn lan loại nhà dị dạng này là do phương án lập, triển khai các dự án mở đường qua các khu dân cư cũ chưa cụ thể, đồng bộ, khả thi để hình thành mặt phố theo quy hoạch, chủ yếu mới giải phóng mặt bằng theo chỉ giới đường đỏ. Chúng ta vẫn chưa quan tâm đến việc quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường.
Khi mở đường đã để lại công trình bị cắt xén, lô đất có kích thước hình học không đảm bảo, gây khó khăn cho công tác quản lý kiến trúc và trật tự đô thị. Việc phát hiện, xử lý công trình không phép, sai phép của nhiều quận huyện còn rất hạn chế... Những mảnh đất bỗng nhiên được ra mặt phố lớn. Hơn nữa người dân không muốn bỏ phí “tấc vàng” vẫn thản nhiên dựng lên những căn nhà dị hình bất chấp sự méo mó và xấu xí mà nó gây ra cho bộ mặt con phố.
Thiếu cơ chế để giải phóng mặt bằng
Hà Nội là một đô thị có quá trình phát triển lâu dài. Hà Nội cũng là đô thị có cấu trúc gồm nhiều định hướng quy hoạch. Và kiến trúc của Thủ đô không chỉ có phong cách từ thời phong kiến, mà còn có sự hiện diện của Pháp, nên phong cách kiến trúc cũng có thay đổi nhiều. Ngoài ra, Hà Nội còn trải qua 7 lần quy hoạch chung. Về vấn đề nhà siêu mỏng hiện nay, nên đặt câu hỏi giải pháp nào có tính thực tiễn để giải quyết. Vì từ lâu, đã có rất nhiều ý kiến, giải pháp để xử lý nhà siêu mỏng, nhưng đều không khả thi. Nhà siêu mỏng không phải mới xuất hiện, mà từ những năm 1997-1998 thế kỷ trước đã xuất hiện. Hiện nay, nhà siêu mỏng không phải chỉ có ở mặt đường, mà trong những ngõ ngách, các khu dân cư cũng vẫn có nhiều nhà loại này. Chúng ta mới chỉ thống kê được những nhà siêu mỏng hiện diện trên trục chính, hoặc nằm ngoài mặt đường, còn trong khu dân cư thì vẫn chưa có được số liệu thống kê. Các cơ quan chức năng cần có quan điểm về nhà ở an toàn, thích hợp cho người dân. Chúng ta hiện nay vẫn còn thiếu cơ chế để giải phóng mặt bằng. Các cơ quan chức năng vẫn chưa kiên quyết giải quyết đồng bộ giữa các trục đường giao thông và không gian đô thị phù hợp. Tăng cường phân cấp cho chính quyền cơ sở là xu thế tất yếu, cần gắn với việc nâng cao năng lực quản lý. Ông Đào Ngọc Nghiêm (Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội) Siết chặt quản lý kiến trúc hai bên đường
Tôi cho rằng, khi Quy định Quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường được phê duyệt sẽ tạo ra sự đồng bộ, xác định rõ mật độ xây dựng, chiều cao, nơi nào xây cao tầng, nơi nào xây thấp tầng, khu công viên cây xanh, phục vụ công cộng, điểm nhấn kiến trúc, nhà trẻ... Về vấn đề tái định cư, đền bù, theo tôi, để đảm bảo quyền lợi của người dân diện phải giải tỏa, nên bố trí tái định cư ngay tại chỗ khi xây các khu nhà cao tầng hai bên đường theo quy hoạch. Đây là điểm đột phá của Hà Nội nên cần sự quyết tâm ngay từ đầu. Bộ mặt đô thị của thành phố sẽ thay đổi nhiều nếu thực hiện tốt quy định này. Ông Vũ Tuấn Định (Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) Cần quan tâm tới vấn đề tái định cư
Việc thiếu cơ chế để giải phóng mặt bằng khiến việc giải quyết các dãy nhà siêu mỏng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, sự không kiên quyết của các cơ quan chức năng khiến những nhà siêu mỏng có cơ hội tồn tại và phát triển. Vấn đề tái định cư cho những hộ dân ở nhà siêu mỏng cũng rất cần được lưu tâm. Nên bố trí tái định cư cho những người dân thuộc diện phải giải tỏa một cách thỏa đáng. Có thể tái định cư tại chỗ cho họ, khi xây những chung cư cao tầng. GS.TSKH. KTS Nguyễn Thế Bá (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Thiết kế đô thị) |
Nguyễn Đệ - Hoàng Trung