Trung tá Trần Đức - Tổng Biên tập đầu tiên của Báo An ninh Thủ đô giai đoạn 1989-1994:

Thuở ban đầu đầy nhiệt huyết, xông pha…

ANTD.VN - Giai đoạn năm 1983, lực lượng Công an Nhân dân có 2 hoạt động công khai trước nhân dân, trong đó có Phát thanh vì An ninh Tổ quốc của Bộ Công an. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo đồng ý cho phép Công an Hà Nội ra tờ An ninh Thủ đô. Cái gì ban đầu cũng rất khó khăn…

Thuở ban đầu đầy nhiệt huyết, xông pha… ảnh 1Tổng Bí thư Đỗ Mười tiếp Ban Biên tập và phóng viên Báo ANTĐ năm 1994

Chuyển mình để thích nghi với thời cuộc

Từ Tổng Biên tập tới các Phó Tổng biên tập, phóng viên, việc gì cũng phải làm. Xưởng in ngày đó chỉ có cái máy con con, in loại giấy rất xấu, sắp chữ, sửa morat… nằm trong một căn nhà nhỏ chỉ khoảng 15m2. Điều quan trọng nhất là dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tờ An ninh Thủ đô vẫn duy trì đều đặn một tuần một số và được bạn đọc rất mến mộ. Đó là điều làm chúng tôi rất phấn khởi. 

Tờ An ninh Thủ đô tuy chỉ được xếp loại 3 - cơ quan của một Sở, nhưng số lượng phát hành rất cao. Báo xuất bản được nhân dân đón nhận hào hứng, từ con số phát hành 3.000 tờ ban đầu sau tăng lên 5.000 tờ rồi sau đó lên con số vạn.

Nhưng công suất nhà in có hạn, máy in nhỏ, công nhân ít, giấy in khan hiếm… nên mỗi ngày báo phát hành là như ngày hội của những người yêu quý báo. Đông nghịt người xếp hàng chờ mua, trong đó có các đầu mối, chúng tôi phải giới hạn mỗi người mua tối đa chỉ 100 tờ. Số lượng ngày càng tăng so với các tờ báo khác, là tờ báo được Thành ủy, Ban Tuyên giáo, UBND thành phố và nhân dân Thủ đô ca ngợi.

Trước thời kỳ mới của đất nước đòi hỏi báo chí phải có sự thay đổi, chuyển mình để thích nghi với thời cuộc, phục vụ thị hiếu của bạn đọc, Ban biên tập Báo An ninh Thủ đô đã ra các chuyên mục mới. Chuyên mục vui nhất là “Chuyện trong mỗi nhà”, một chuyên mục chạm tới mọi người, mọi giai tầng, trong đó có nêu những gương người tốt việc tốt, nêu ra những tồn tại, tàn dư của xã hội cũ. Chuyên mục đã gây được tiếng vang, chiếm được cảm tình của bạn đọc.

Nhiều nhà văn khi đó mới tập viết, những bài báo đầu tiên là cộng tác với An ninh Thủ đô trong mục “Chuyện trong mỗi nhà”, sau đó trở thành nhà văn nổi tiếng. Dần dần Báo có những xã luận hàng ngày nêu những vấn đề thiết thân với dân, mở rộng ra các vấn đề văn hóa, kinh tế, giáo dục… được thể hiện bằng ảnh, bằng những phóng sự, bằng thơ. Đặc biệt, Báo An ninh Thủ đô là một trong những tờ báo đăng nhiều nhất về chống tiêu cực qua chuyên mục “Thơ trào phúng”, có số báo đăng cả trang thơ trào phúng, tạo tiếng vang lớn.

Thuở ban đầu đầy nhiệt huyết, xông pha… ảnh 2Chủ tịch nước Lê Đức Anh đọc Báo ANTĐ năm 1996

Bản lĩnh trước khó khăn và cám dỗ

Tuy nhiên, thế mạnh và sức hấp dẫn của Báo An ninh Thủ đô luôn là những vụ án. Bản thân tôi khi đó tuy là Tổng biên tập nhưng cũng từng cùng các đồng chí trinh sát khám phá vụ án, chụp ảnh, lấy tài liệu. Vụ án tôi nhớ nhất là vụ số nhà 7 Phạm Đình Hổ, nơi một sinh viên tên Thuận bị đối tượng tên Hùng vừa giết, vừa hiếp dâm vừa cướp tài sản. Tên Hùng sau đó bị mức án cao nhất. Vụ án là điển hình được đưa vào giáo trình giảng dạy tại các trường công an.

Với đề tài này, cần viết làm sao để lên án tội ác của đối tượng, đồng thời nêu được bài học cảnh giác cho nhân dân song cũng không để lộ bí mật nghiệp vụ công an. Chúng tôi nêu lên vụ án bằng những chi tiết cụ thể, nhưng không dùng từ ngữ rùng rợn, không giật gân câu khách mà vẫn ca ngợi sự mưu trí, thông minh của các chiến sỹ công an.

Cũng giai đoạn này, Báo An ninh Thủ đô chú trọng đi sâu khai thác đề tài các gương điển hình tiên tiến trong phong trào quần chúng, gương chiến sỹ công an anh dũng bảo vệ, tận tụy với  nhân dân… để nhân dân biết, qua đó ca ngợi chủ nghĩa anh hùng Cách mạng trong lực lượng Công an Thủ đô. 

Buổi đầu làm báo rất khó khăn, nhuận bút có khi chỉ đủ mấy anh em rủ nhau ăn bữa cơm trưa song ai cũng đầy nhiệt huyết, xông pha. Điều tôi thấy tự hào nhất là anh em cán bộ chiến sỹ Báo An ninh Thủ đô đặc biệt biết giữ mình, không ai bị kỷ luật hay dính vào tiêu cực, dù luôn đối mặt cám dỗ từ các đối tượng đấu tranh của lực lượng công an.

Tất cả đều tự phấn đấu vươn lên, cả về nghiệp vụ lẫn phẩm chất chính trị. Vì thế nên từ Tổng biên tập đến cán bộ chiến sỹ khi về nghỉ chế độ, tất cả lòng đều thanh thản, trong sáng. Đó là nguồn hạnh phúc lớn nhất với cán bộ, chiến sỹ Báo An ninh Thủ đô.