Thực phẩm an toàn khó tìm đường vào chợ

ANTĐ - Phản ánh từ đại diện các cơ quan, doanh nghiệp cho thấy, sản xuất thực phẩm an toàn đã khó nhưng đưa hàng hóa đến người tiêu dùng lại càng khó hơn. Rất nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được gửi đến lãnh đạo Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội và các sở ngành liên quan tại buổi làm việc diễn ra chiều 12-5.

Thực phẩm an toàn khó tìm đường vào chợ ảnh 1

Chất cấm trong chăn nuôi gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng

Lợi nhuận là trên hết

Lý giải vì sao người dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho hay: “Thương lái thu mua ép người chăn nuôi, họ chỉ muốn mua gia súc dưới 100kg để giết mổ, vì ở mức này thương lái có lãi. Trong khi đó, với bà con nông dân, 1 con lợn phải đạt được từ 80kg trở lên mới có lãi. Vì vậy, họ buộc phải dùng chất cấm để rút ngắn thời gian chăn nuôi, nhanh có lời”. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp đã nâng mức thu mua lợn thịt lên thành 120-130 kg/con. Nếu mỗi kg lợn được thu mua với giá 100.000 đồng, thì so với việc thu mua thông thường của thương lái, người chăn nuôi có lãi khoảng 600.000 đồng/con. Khi đó, việc sử dụng chất cấm sẽ được hạn chế.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, bà Đinh Thị Minh Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty CP sản xuất nông sản sạch Tây Bắc, đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội cho biết, do doanh nghiệp không có điều kiện đầu tư vùng nguyên liệu riêng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường nên phải liên kết với bà con nông dân. “Sản xuất của bà con còn nhỏ lẻ, manh mún. Doanh nghiệp phải trả giá cho người nông dân cao hơn bình thường để họ sản xuất đúng quy trình, tiêu chuẩn, có sự giám sát của doanh nghiệp, nhưng chúng tôi thừa nhận là không kiểm soát hết được”- bà Đinh Thị Minh Thái than thở.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm diễn biến phức tạp chủ yếu do nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận, không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít người chăn nuôi không biết thức ăn chăn nuôi có những chất gì, có bị cấm không, mà họ chỉ thấy chăn nuôi có hiệu quả thì mua về sử dụng. Nhận thức hạn chế này của người chăn nuôi khiến cho việc ngăn chặn thực phẩm chứ chất cấm ra chợ tiêu thụ trở nên khó khăn hơn.

Tiêu thụ thực phẩm sạch: Không dễ!

Sản xuất thực phẩm sạch đã khó nhưng tiêu thụ thực phẩm sạch lại càng khó hơn. Bà Đinh Thị Minh Thái cho biết, chi phí sản xuất thực phẩm sạch cao nhưng khi đưa về Hà Nội tiêu thụ, doanh nghiệp lại không dễ tìm được điểm phân phối có giá hợp lý. Phương thức và thời gian vận chuyển bằng ô tô vào ban đêm cũng làm tăng chi phí. Muốn đưa hàng vào siêu thị cũng phải “trình bày”. Bởi vậy, giá thành sản phẩm bị đội lên cao, làm giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích mua rau với giá 10.000 đồng/kg hơn là mua rau an toàn 20.000 đồng/kg.

Theo đại diện Ban quản lý chợ Minh Khai (Hà Nội), một bộ phận người tiêu dùng đã ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng thực phẩm an toàn. “Tuy nhiên, dấu hiệu nào để nhận biết thực phẩm an toàn? Thực phẩm an toàn và không an toàn lẫn lộn, người tiêu dùng khó mà nhận biết bằng mắt thường. Trong khi đó hàng hóa được phân phối ra thị trường rồi cơ quan chức năng mới đi kiểm tra, lấy mẫu phân tích, 5-7 ngày sau mới có kết quả. Khi có kết quả thì có thể người tiêu dùng đã mua và sử dụng hết các sản phẩm không an toàn”- vị đại diện này cho hay. Nói cách khác, niềm tin của người tiêu dùng vào thực phẩm an toàn khá mong manh. Vì còn hoài nghi nên thói quen lựa chọn  thực phẩm theo giá bán vẫn phổ biến.

Để giải quyết vấn đề trên, PGS. TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho rằng, cần xử lý mạnh tay hơn đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm. “Hà Nội tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, phân tích nên hoàn toàn có thể tận dụng các cơ sở này để kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm. Năng lực phân tích, kiểm tra của nhiều cơ sở hiện khá tốt nên cần thực hiện tích cực hơn”- PGS. TS Lê Đức Mạnh nhấn mạnh.