Thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp thời đại 4.0

ANTD.VN - Chủ đề của Hội nghị ở Hà Nội “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0” là một nội dung thiết thực, gắn kết với chủ đề ASEAN 2018 “Tự cường và sáng tạo”, có ý nghĩa thời sự và lâu dài cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân mỗi quốc gia và cả khu vực.
 

Làn sóng tất yếu 

Hàng ngày, có 10.000 thanh niên ASEAN gia nhập vào lực lượng lao động. Với tổng dân số hơn 640 triệu người, chiếm 8,5% dân số thế giới, quy mô kinh tế đạt hơn 2.760 tỷ USD (năm 2017), ASEAN giờ đây đã là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 của thế giới. Công nghệ số là phần không thể thiếu trong xã hội ở mọi cấp độ. Trong làn sóng của Cách mạng công nghiệp 4.0, ASEAN ngày nay còn được biết đến như là một trong những nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới và cũng là mới hội tụ nhiều tiềm năng kinh tế số, với quy mô có thể vượt trên 200 tỷ USD vào năm 2025 như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên khai mạc.

Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, ngày càng định hình, phát triển, mở ra nhiều cơ hội mới, đồng thời làm mòn đi nhiều lợi thế cũ và đặt ra không ít thách thức đối với mọi quốc gia và doanh nghiệp, nhất là trong nắm bắt và ứng dụng các thành tựu công nghệ mới; phát triển các cụm công nghệ và ngành công nghiệp mục tiêu, phát triển doanh nghiệp và mạng lưới doanh nghiệp sáng tạo đổi mới, điều chỉnh hướng và cơ chế quản lý phát triển kinh tế; đào tạo lao động có chuyên môn cao và tạo việc làm mới, bảo đảm an sinh xã hội, thông qua đó tăng cường khả năng cho tất cả mọi người dân tham gia vào tiến trình phát triển nhờ vào Cách mạng công nghiệp 4.0 này. 

Mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự tiến triển kinh tế nhờ công nghiệp 4.0. Trong cuộc cách mạng này, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều ngồi chung trên 1 con thuyền. Cả ASEAN đang ngồi chung trên một con thuyền. Cần có những cơ chế phù hợp để cho các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới, để khu vực ASEAN cùng phát triển…

Cùng với các thành viên ASEAN khác, Việt Nam đang trên đà phát triển, với những cải thiện tích cực về môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng; quy mô và chất lượng dân số, kiểm soát lạm phát và mức nghèo; tăng dự trữ ngoại hối và xuất khẩu, đầu tư tư nhân và thu hút vốn nước ngoài… Là một nước có thu nhập tầm trung và đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế, hiện đại hóa cơ cấu kinh tế, Việt Nam có những thách thức riêng, trước hết liên quan đến phát huy tinh thần khởi nghiệp doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo cả vĩ mô và vi mô. 

Để trở thành “Doanh nghiệp thông minh” của “Quốc gia khởi nghiệp”

Cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phát huy tinh thần doanh nghiệp. Đó là tinh thần dũng cảm, quyết tâm và ý chí làm giàu có tổ chức cho mình và cộng đồng, trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế, tự trọng, tự tôn, tự hào dân tộc và đề cao trách nhiệm xã hội; Sự chủ động và linh hoạt trong phản ứng hiệu quả với những biến động thị trường và chính sách; xây dựng và củng cố sự gắn kết cộng đồng, phát triển các chuỗi liên kết và cung ứng giá trị quốc gia và quốc tế; tiếp cận 4.0 là dựa trên niềm tin, sự sáng tạo mà không đánh mất bản sắc; xử lý hài hòa các lợi ích và các khác biệt văn hóa trong kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững cả trong phạm vi quốc gia và khu vực…

Đặc biệt, tinh thần doanh nghiệp thể hiện tập trung ở sự dám nghĩ, đầu tư thông minh và nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá thành sản phẩm trên cơ sở coi trọng thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất và quản trị doanh nghiệp tiên tiến.

Tinh thần doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi sự chủ động, tự giác và tự thân của cộng đồng và từng doanh nghiệp, mà còn cần được hun đúc, tôn vinh, chia sẻ và hỗ trợ từ cả hệ thống chính trị và xã hội. Đặc biệt, Chính phủ cần đột phá mạnh mẽ hơn về tư duy và thể chế; tập trung “kiến tạo” môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả; đổi mới nền giáo dục và đào tạo nghề quốc gia theo hướng thông minh và đi trước một bước, bảo đảm người lao động được chuẩn bị tốt các kỹ năng và phẩm chất cần thiết để hòa nhập và tái hòa nhập thị trường lao động xã hội; phát triển thị trường công nghệ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thị trường tài chính đầu tư cho phát triển nghiên cứu, sáng chế và thuận lợi trong thương mại hóa ý tưởng kinh doanh và sáng tạo, để tinh thần cởi mở, sự hứng khởi và niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người dân lan tỏa trong xã hội và thị trường Việt Nam.

 Thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 là thúc đẩy quá trình kiến tạo và đổi mới, đột phá về công nghệ, ý tưởng và chính sách, phát huy các lợi thế và tận dụng các cơ hội, thích ứng với các thách thức mới, dũng cảm lựa chọn các định hướng mới và khai thác hiệu quả các động lực mới, ngày càng nhận thức rõ hơn về tương lai; không ngừng chủ động, sáng tạo và hoàn thiện mình để trở thành “Doanh nghiệp thông minh” của “Quốc gia khởi nghiệp” trên hành trình xây dựng một Tổ quốc Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; góp phần xây dựng cộng đồng kinh tế - doanh nghiệp ASEAN tự cường, sáng tạo, ngày càng lớn mạnh, phồn vinh - đối tác lựa chọn hấp dẫn và đầy tiềm năng của những doanh nghiệp toàn cầu.