Thừa thãi... nước thải
(ANTĐ) - Muốn biến khẩu hiệu “Xanh - sạch - đẹp” của nhiều thành phố ở Việt Nam trở thành hiện thực thì còn rất nhiều việc phải làm. Một thách thức rất lớn là hệ thống thoát nước không đủ để “giải thoát” nước thải và nước mưa tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Đó là ý kiến của bà Bộ trưởng Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế, CHLB Đức tại Diễn đàn “Phát triển đô thị bền vững” mới diễn ra tại Hà Nội.
Bà Bộ trưởng chia sẻ, chỉ mới cách đây 20 năm, thành phố quê hương của bà nằm bên bờ sông Rhine bị ô nhiễm đến mức “chết dần” vì chất thải. Giờ đây, con sông “đen” ấy đã có từng đàn cá hồi tung tăng bơi lội, thậm chí người ta còn xuống tắm. Sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ và hàng chục dòng sông chảy qua các đô thị, thành phố ở nước ta đến bao giờ sạch như sông Rhine, sông Seine, sông Hàn?
Theo một tài liệu vừa công bố của Viện Khoa học và kỹ thuật môi trường, các ao hồ, sông suối và kênh rạch ngày càng ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp. Hiện nay ước tính chỉ có vỏn vẹn 6% lượng nước thải đô thị được xử lý. Tại các thành phố lớn chỉ có từ 50-80% số hộ gia đình sử dụng bể tự hoại. Hơn thế, hệ thống xử lý nước thải vệ sinh tại hầu hết các thành phố hết sức tồi tệ.
Nước thải từ nhà vệ sinh chỉ được xử lý qua quýt trong bể tự hoại sau đó hòa tan với nước xám chưa qua xử lý trước khi chảy vào cống thoát chung. Cuối cùng, tất cả tuồn thẳng ra sông, hồ. Tệ hại hơn, theo báo cáo của Tổ chức Môi trường sống Liên hợp quốc năm 2007, có khoảng 10% dân số Việt Nam không có nhà vệ sinh và 5% số nhà vệ sinh “thả” thẳng ra sông rạch.
Nước thải sinh hoạt không qua xử lý vốn đã “dồi dào”, nhưng nước thải công nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế và dịch vụ mới, thực sự “thừa thãi”. Theo ước tính, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, mỗi ngày tổng lượng nước thải đô thị lên tới 500.000m3, trong đó 100.000m3 từ các cơ sở công nghiệp, bệnh viện và dịch vụ.
Chỉ đếm trên đầu ngón tay nhà máy và bệnh viện được trang bị hệ thống xử lý nước thải tại chỗ và cũng chỉ có 8-10% tổng lượng nước thải đô thị được xử lý ở 4 nhà máy xử lý nước thải mới xây dựng với tổng công suất 48.000m3. Có nghĩa là, 90-92% lượng nước thải sinh hoạt, y tế, từ các cơ sở sản xuất, xí nghiệp, làng nghề không hề được tẩy rửa, sàng lọc cứ thế vô tư xả thẳng xuống sông rạch, ao hồ.
Nói cách khác, chúng ta đang tự “đầu độc” mình một cách có ý thức, nếu không muốn nói rằng, vô hình trung đời ta, đời con cháu đã, đang và sẽ “tận hưởng” nước thải do chính mình tống ra đã được thấm ngấm, thẩm thấu qua bao tầng đất “hòa” vào nguồn ngước ngầm ngày càng bị nhiễm độc và ngày thêm cạn kiệt. Trong khi đó, hầu hết các hệ thống thoát nước vừa thoát nước mưa, vừa thoát nước thải vốn đã rất “cổ” lại xuống cấp trầm trọng.
Đường kính nhỏ, độ dốc thấp và dòng chảy quá chậm nên gây ra lắng đọng và tắc nghẹn toàn mạng vào mùa khô, ngập lụt vào mùa mưa. Một vài trận lụt lịch sử trở thành thảm họa “nhớ đời”. Thực trạng này đã tồn tại hàng thập kỷ nhưng không được giải quyết tận gốc, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước thải trên mức báo động.
Thừa thãi... nước thải ở các đô thị nước ta, cộng với mỗi ngày có 82% trong số 19.685 tấn rác thải được thu gom, nhưng chỉ có 10% là được tái chế và 12% qua xử lý, thực sự là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với môi trường và sức khỏe con người. Cái giá phải trả do thiệt hại về kinh tế đâu chỉ dừng ở con số 1,3% GDP.
Đan Thanh