Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 trở thành nước thịnh vượng"

ANTD.VN - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù con đường đi đến nền kinh tế thịnh vượng không bằng phẳng, nhưng Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe các ý kiến tại VRFD lần thứ nhất (Ảnh: Lê Tiên - Báo Đấu thầu)

Hôm nay (5-12), diễn đàn thường niên về Cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất - "Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới" do Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) tổ chức chính thức diễn ra.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Việt Nam có khát vọng đến năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày lập nước. Chúng tôi có khát vọng lọt vào nhóm nước có thu nhập cao trên thế giới... Chúng tôi có khát vọng trở thành nền kinh tế thịnh vượng, nhưng nhận thức rõ rằng con đường đi đến không bằng phẳng, sẽ có nhiều thách thức. Đó là những thách thức đến từ nội tại nền kinh tế và tác động lớn từ những biến động của kinh tế quốc tế”.

Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện có 3 điểm nghẽn cản trở sự phát triển, là: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Mặc dù đã có nhiều cải cách, song kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực đối với việc phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Thủ tướng cho rằng, con người và công nghệ như chìa khoá và ổ khoá, phải tương thích với nhau. Do đó, cách mạng 4.0 sẽ không khả thi nếu thiếu con người 4.0.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6,85% trong các năm 2018-2020, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, Việt Nam vẫn đang ở thời điểm "vàng” của sự phát triển. Nhưng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu Việt Nam không thực hiện cải cách và phát triển, sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân cũng như các nguồn lực khác.