Thủ tướng: Hà Nội phải hướng tới cạnh tranh với các thành phố lớn như Bắc Kinh, Bangkok, Kuala Lumpur…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Góp ý với Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tư duy, tầm nhìn của thành phố trong 10-15 năm tới phải hướng đến cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Bắc Kinh (Trung Quốc)…

Các đại biểu Ban Cán sự Đảng Chính phủ dự hội nghị góp ý tại Thành ủy Hà Nội

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của Ban Cán sự đảng Chính phủ vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra chiều nay, nhiều thành viên Chính phủ đã đóng góp những ý kiến rất thẳng thắn, sâu sắc và tâm huyết vì sự phát triển của Thủ đô.

Là người góp ý đầu tiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề cập đến vấn đề phát triển văn hóa người Hà Nội. “Chúng ta nói xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” nhưng nói dễ, làm rất khó, bởi người Hà Nội ngày nay đến từ rất nhiều địa phương, các tỉnh thành khác” - đồng chí Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam góp ý

Do vậy, Phó Thủ tướng gợi ý, Hà Nội nên có giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi để làm sao tất cả những người nơi khác về Hà Nội sinh sống hòa đồng với văn hóa người Hà Nội. Đồng chí Vũ Đức Đam cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu đưa vào báo cáo chính trị những giải pháp phát triển đột phá về giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ…

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, Hà Nội cần làm rõ hơn khái niệm “thành phố toàn cầu” nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố.

Nhìn từ góc độ công tác đối ngoại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh góp ý, Hà Nội là địa phương có nhiều thỏa thuận và hợp tác quốc tế nhất cả nước nên cần lưu ý xem xét có thêm những thành tố về đối ngoại, hội nhập quốc tế trong chủ đề đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thủ đô.

Tán thành các nhiệm vụ chủ yếu, các khâu đột phá được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị thành phố cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và tập trung phát triển hạ tầng giao thông.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình góp ý

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Hà Nội phải phát triển hạ tầng giao thông đi trước, phát triển đô thị theo sau; làm tốt hơn công tác quy hoạch để Thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh.

Mạt khác, Hà Nội là nơi đi đầu về thu hút đầu tư, nên thành phố phải chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, lao động để tạo thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đầu tư, đồng thời tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm sai phạm của cán bộ trong thực thi công vụ, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, trục lợi chính sách...

Phát biểu góp ý với Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ nhấn mạnh, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ trực tiếp đóng góp vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nên phải được tổ chức thành công về cả nhân sự và văn kiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Trong đó, Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của đại hội, phải thực sự là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Thủ tướng đánh giá, dự thảo Báo cáo chính trị đã được Đảng bộ Hà Nội xây dựng trên tinh thần cầu thị, công phu, khoa học, bài bản; thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm đi đầu của Thủ đô.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội là Thủ đô, là trái tim thân yêu của cả nước, vì vậy phải gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ Thủ đô phải cho thấy sự khác biệt với các địa phương khác về tầm nhìn, đặt trong bối cảnh, không gian phát triển kết nối với Vùng Thủ đô và cả nước.

Về 3 khâu đột phá của thành phố trong nhiệm kỳ tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cân nhắc thêm về thứ tự các khâu đột phá lần lượt là: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Trong đó, Hà Nội phải sớm khắc phục triệt để những chỉ số thành phần còn thấp trong cải cách hành chính, tạo sức hút với nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Hà Nội tiếp tục coi trọng và huy động nguồn lực từ đất; tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; phát triển chùm đô thị hoàn chỉnh, phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng tại huyện Đông Anh và 5 đô thị vệ tinh…

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, tư duy tầm nhìn của Hà Nội phải hướng tới cạnh tranh với các thành phố trong khu vực châu Á như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Bắc Kinh (Trung Quốc)… và hướng tới tầm nhìn này cho 15-20 năm tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những ý kiến góp ý đều rất sâu sắc, xác đáng. Đây là cơ sở để thành phố khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị có chất lượng tốt, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô, sự kỳ vọng của Trung ương với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Cùng đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng sẽ tiếp thu các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trước mắt, thành phố đã đưa vào nội dung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Mạng lưới sáng kiến Hà Nội để tập hợp tinh hoa ở trong nước và ngoài nước cho mục tiêu phát triển Thủ đô. Thành phố đang cố gắng để ra mắt Mạng lưới sáng kiến Hà Nội vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội tháng 10 tới.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết thêm, thành phố cũng sẽ xây dựng các chương trình hành động để thực hiện các nghị quyết của Trung ương và thành phố; xử lý những dự án kéo dài, tập trung khai thác nguồn lực từ đất đai, đội ngũ trí thức; quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, với quyết tâm tăng trưởng GRDP năm 2020 cao gấp 1,3 lần tăng trưởng của cả nước.