Thủ tướng đến Thái Lan, bàn kế hoạch đẩy mạnh hợp tác khu vực Mekong

ANTD.VN - Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, khoảng 14h chiều 15-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến sân bay quân sự Don Muang, Thủ đô Bangkok, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào-Myanmar -Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 15 đến 16-6.

Thủ tướng đến Thái Lan, bàn kế hoạch đẩy mạnh hợp tác khu vực Mekong ảnh 1Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay Don Muang, Thủ đô Bangkok, Thái Lan chiều 15-6

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith bên lề Hội nghị, đồng thời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã dự tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Thái Lan và Phu nhân chủ trì. Sau khi dự Hội nghị ACMECS và CLMV, Thủ tướng sẽ cùng các Trưởng đoàn ACMECS có cuộc làm việc với các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp trong khu vực.

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Mục tiêu chính của ACMECS là nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới các nước, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách hiệu quả nhất, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia. Trong khi đó, Hội nghị Cấp cao CLMV được tổ chức lần đầu tiên năm 2004 với mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hội nhập của 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam vào tiến trình phát triển chung của khu vực.

Sau hơn 15 năm, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước khu vực Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Nhờ các cải cách kinh tế sâu rộng và nỗ lực tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, khu vực Mekong đã trở thành khu vực phát triển năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng của ASEAN. Trong cả 2 cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS, Việt Nam đều đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa 5 quốc gia.