Thủ tướng: Còn nhiều việc phải làm để gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp

ANTD.VN - Sáng nay (17-5), hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hội nghị quy tụ đông đủ doanh nghiệp nhất từ trước tới nay.

Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp ngày 17-5

Mong nhận được những kiến nghị thẳng thắn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Pari”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị doanh nghiệp Việt Nam đồng hành cùng đất nước diễn ra hơn 1 năm trước tại TP Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi Chính phủ mới phải đương đầu với nhiều khó khăn và thách thức.

Tuy nhiên, "Chính phủ hiểu rằng đó là bước đi đầu tiên với kết quả khiêm tốn. Chúng ta còn nhiều việc phải làm bởi còn nhiều rào cản với sự phát triển của doanh nghiệp. Tại hội nghị này, Chính phủ đề nghị các đại biểu sẽ đánh giá 1 năm sau khi triển khai Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp, bàn kế hoạch hành động trong thời gian tới để có bước bứt phá trong phát triển doanh nghiệp"- Thủ tướng nói.

Chính phủ mong muốn sẽ nhận được những kiến nghị thẳng thắn, chân thành và xây dựng từ phía cộng đồng doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Chính phủ quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp".

Cải thiện rõ rệt

Đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã tích cực thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, trong đó tập trung cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một số lĩnh vực được cải thiện rõ rệt về thủ tục hành chính.

Điển hình là thủ tục về thuế và hải quan đã được đẩy mạnh thông qua việc áp dụng  hiện đại hoá, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Hệ thống khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63 Cục thuế và 100% chi cục thuế trực thuộc.

Doanh nghiệp kê khai điện tử đạt tỷ lệ 99,64 % và được hỗ trợ nộp thuế xuất nhập khẩu bằng phương thức điện tử. Số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế năm 2016 đã giảm 85 thủ tục so với 2015…

Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 04 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN.

Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11/14 Bộ. Tổng số bộ hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng là 264 nghìn bộ hồ sơ, với sự tham gia của hơn 8,2 nghìn doanh nghiệp.

Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đã được đưa vào vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, góp phần giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Tần suất thanh tra, kiểm tra vẫn còn cao

Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, hiện có 95/115 quy trình đạt tiêu chuẩn dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.

Các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả nhất định: 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỷ lệ 95,85%) đã được đơn giản hoá; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tiết kiệm chi phí và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng...

Chính phủ điện tử được triển khai nghiêm túc để công khai, minh bạch tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước qua môi trường mạng, công bố kết quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

Về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn) do Văn phòng Chính phủ điều hành đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó, Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 489 phản ánh, kiến nghị tới các Bộ ngành, địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Đến nay, đã có 372 phản ánh, kiến nghị đã được các Bộ ngành, địa phương xử lý và trả lời doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 76,1%. Các địa phương thành lập, công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để tiếp nhận và giải đáp khó khăn của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp. Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn có những hạn chế nhất định trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Công tác tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp đã được thực hiện ở đa số các địa phương, nhưng còn nặng về hình thức, chưa tổ chức đối thoại theo chuyên đề cụ thể; chỉ bước đầu ghi nhận vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần được chấn chỉnh, quán triệt trong thời gian tới nhằm tránh gây mất niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của các bộ ngành và thanh tra tỉnh vẫn chưa giải quyết dứt điểm, dẫn đến tần suất các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp vẫn còn cao.

Sự phối hợp giữa các bộ ngành; giữa Trung ương và địa phương trong triển khai nhiệm vụ Nghị quyết bước đầu đã thực hiện, nhưng còn chưa tốt, nên nhiều giải pháp chưa mang lại tác động tích cực, chưa giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp... cần được khắc phục trong thời gian tới.

Lo "hình sự hóa quan hệ kinh tế"

Theo Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự đồng hành của Chính phủ trong một năm qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải trả chi phí cao cho các hoạt động, gồm cả chi phí chính thức và không chính thức; doanh nghiệp vẫn nơm nớp lo âu nếu "hình sự hóa quan hệ kinh tế"; thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, gây lãng phí cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng, minh bạch hơn. Đồng thời, việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị này sẽ được giải quyết chứ không phải giải thích.