Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Nền kinh tế đang phục hồi

ANTĐ - Sáng 20-10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kinh tế xã hội nước ta trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước, là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua. Không có biểu hiện giảm phát do sức mua và tổng cầu tiếp tục tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, lòng tin của người tiêu dùng vào sự phục hồi kinh tế được nâng lên.

Về thu, chi Ngân sách nhà nước (NSNS), tổng thu NSNN thực hiện 9 tháng ước đạt 683.000 tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 124,6 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy, 9 tháng đầu năm nhập siêu khoảng 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, song vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép (dưới 5%).

Nói về những tác động lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, để hạn chế tác động của việc giảm giá dầu (giá dầu thô xuất khẩu của nước ta ước tính bình quân cả năm 2015 khoảng 56,7 USD/thùng) đến thu NSNN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổ điều phối vĩ mô xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó như: thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chống thất thu, chống gian lận thương mại,... tăng nguồn thu nội địa, bù giảm thu dầu thô và xuất nhập khẩu để bảo đảm tổng thu ngân sách nhà nước không bị giảm và bảo đảm cân đối tổng thể thu chi NSNN theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, ngay sau đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh kịp thời tỷ giá giữa VND và USD nhằm giảm bớt sức ép tâm lý thị trường. Sau các lần điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ, so với cuối năm 2014, đồng tiền nước ta đã giảm giá khoảng 5% so với USD, tương đương với giảm giá của đồng nhân dân tệ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc điều chỉnh tăng và nới rộng biên độ dao động của tỷ giá ngoại tệ là giải pháp đúng đắn, phù hợp để giảm tác động tiêu cực của Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu. Do tác động tâm lý nên đã xảy ra hiện tượng tỷ giá tăng kịch trần cho phép, có ảnh hưởng đến lãi suất ở một số thời điểm nhưng sau khi triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó chủ động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã ổn định trở lại và dao động trong biên độ cho phép.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, do nước ta nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với cơ cấu nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, do vậy, việc phá giá đồng Nhân dân tệ cùng với giá xăng, dầu xuống thấp, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Ngược lại, hàng hóa nước ta sẽ gặp nhiều bất lợi khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là mặt hàng tiêu dùng. Việc phá giá đồng Nhân dân tệ, cùng với việc giảm giá dầu thô và các mặt hàng nông sản xuất khẩu có tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Song với việc chủ động khắc phục các tác động tiêu cực nói trên, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và phát triển. Tăng trưởng kinh tế trong quý 3 cao hơn nhiều so với quý 2 và dự báo cả năm sẽ vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, việc phá giá đồng Nhân dân tệ và sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia lớn thứ hai về quy mô nền kinh tế; cùng với những khó khăn thách thức khi nền kinh tế đi vào hội nhập sâu, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước... sẽ còn ảnh hưởng và tác động tiêu cực nhiều mặt đến nền kinh tế nước ta, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có giải pháp ứng phó chủ động, có hiệu quả hơn.

Trình bày thẩm tra về báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu tiếp tục giảm và ở mức thấp, một số nước phá giá mạnh đồng tiền, diễn biến chính trị, xã hội, xung đột vũ trang diễn ra nhiều nơi, tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt... đã tác động nhiều hơn đến nền kinh tế nước ta so với dự báo đầu năm.

Dù vậy, với chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015 và dự kiến có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội.