Thủ tướng Chính phủ: Cần nêu rõ cơ quan nào làm khó, dọa nạt doanh nghiệp

ANTD.VN - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có lực lượng doanh nghiệp hùng hậu. 

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị với doanh nghiệp sáng 23-12 (ảnh: Phú Khánh)

Sáng nay, 23-12, hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, quá trình cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo nên những điểm sáng ấn tượng của khu vực doanh nghiệp thời gian qua.

Theo đó, tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng cao trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm có thêm trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp.

Niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam bày tỏ “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.

Thủ tướng tham quan các gian hàng của doanh nghiệp tham gia hội nghị (ảnh: Phú Khánh)

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề có bước chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp có quy mô vừa tăng lên và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có xu hướng giảm.

Tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%. Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể;

Mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời đại toàn cầu hóa và đột phá về công nghệ hiện nay, doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì chính khu vực doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, là nơi có động lực cạnh tranh và sáng tạo để phát triển mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong trong việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.

“Không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không có doanh nghiệp, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc”- Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, đóng góp vào những thành quả kinh tế - xã hội 2019 cũng như xuyên suốt hơn 3 thập niên đổi mới của Việt Nam có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam.

Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự đóng góp to lớn, nhiều mặt, nhiều khi thầm lặng của các doanh nhân chân chính đối với sự phát triển của đất nước thân yêu. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước.

Bởi vậy, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nêu các khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ, các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cung cấp điện nước…

“Đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách. Riêng về thanh tra, kiểm tra chồng lấn tôi đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sẽ có tổng kết để tháo gỡ sớm nhất”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định cam kết sẽ cùng tham gia, đồng hành, đối thoại thẳng thắn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, trở ngại để doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo.

Sau hội nghị sẽ có một sản phẩm là một nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, việc Việt Nam chững lại trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2019 cho thấy, nếu không cải cách mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta sẽ tụt lại phía sau.