Thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

ANTĐ -Tại buổi làm việc chiều 13-2, liên Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã thống nhất, thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2015.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nguồn cung thóc, gạo từ vụ lúa Đông Xuân 2014 – 2015 của các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng cao, nhất là sản lượng trong tháng 2 và tháng 3 đã lên tới 3,65 triệu tấn quy gạo.

Trong khi lượng hợp đồng xuất khẩu gạo trong quý I/2015 đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2014. Số liệu cụ thể từ VFA cho thấy, lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo đến ngày 31-1-2015 chỉ khoảng 1 triệu tấn, trong đó còn 504.000 tấn chuyển sang từ năm 2014.

Căn cứ tình hình giá chào bán xuất khẩu hiện nay, VFA nhận định hiện nay các nước có tiềm năng xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam, nhất là phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp tại các thị trường Trung Quốc, Malaysiia, Mexico, Indonesia... trong khi nguồn cung dồi dào đang khiến thị trường xuất khẩu lúa gạo trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 khá trầm lắng, gây áp lực rất lớn đến tình hình xuất khẩu gạo trong những tháng sắp tới.

Giá thu mua thóc tươi tại An Giang đã giảm mạnh, cụ thể giá thóc tươi IR50404 giảm từ 4.600 đồng/kg xuống còn 4.250 đồng/kg; tại Vĩnh Long giá thóc IR50404 đã giảm từ 4.100 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg.

Thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để giảm áp lực dư cung thóc cho nông dân

“So với giá thành bình quân sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2014 – 2015 do Bộ Tài chính công bố ngày 15-1 là 3.417 đồng/kg thì người trồng lúa vẫn có lãi trên 30%. Tuy nhiên giá thóc thị trường hiện tại đã tiệm cận với giá định hướng bình quân tại ĐBSCL là 4.442 đồng/kg. Do đó việc quyết định thu mua tạm trữ thóc gạo vào thời điểm này là hợp lý”, ông Huệ đề xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để giảm áp lực về tiêu thụ, ổn định thị trường cũng như tạo điều kiện thu mua thóc gạo cho nông dân, đảm bảo lợi nhuận tối thiểu trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ thóc, gạo với số lượng khoảng 1 triệu tấn quy gạo, thời gian bắt đầu từ 1-3 đến hết 15-4.

Phương thức tạm trữ sẽ thông qua đầu mối VFA phối hợp với UBND các tỉnh vùng ĐBSCL phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ thóc gạo cho các doanh nghiệp, có tính đến sản lượng thóc hàng hóa của từng địa phương và ưu tiên tiêu thụ thóc hàng hóa từ cánh đồng mẫu lớn.

Thống nhất với đề xuất này của Bộ NN&PTNT, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường xúc tiến thương mại để thúc đẩy nhanh việc ký kết các hợp đồng tập trung tại các thị trường truyền thống.

Song song với việc tăng cường khả năng cạnh tranh để khôi phục thị phần đã mất ở các thị trường cạnh tranh gay gắt, nhất là thị trường châu Phi và HongKong (Trung Quốc).

“Hiện Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh biên giới như Lào Cai hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đồng thời đàm phán mở cửa thị trường".

Về vấn đề tạm trữ, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát kỹ lượng thóc gạo hàng hóa và xuất khẩu để tạm trữ phù hợp; đề nghị Bộ Tài chính cân đối nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất doanh nghiệp mua tạm trữ và sớm ban hành thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2014 – 2015 theo quy định.