Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội vào cuộc sống

Thu hút người tài, theo đuổi kinh tế tri thức

ANTĐ - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho rằng, phát triển nền kinh tế tri thức, dựa trên nền tảng tri thức là hướng đi nhằm tận dụng và khai thác lợi thế của Hà Nội, đồng thời cũng là một đòi hỏi tất yếu của thời đại.

Thu hút người tài, theo đuổi kinh tế tri thức ảnh 1Phát triển kinh tế tri thức cần nguồn nhân lực đã qua đào tạo và hơn thế, đó phải là nhân lực chất lượng cao

Không để  “chảy máu” nguồn nhân lực

Việt Nam đã và đang chuẩn bị đón nhận 2 sự kiện lớn của khu vực và quốc tế có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiều năm sắp tới. Thứ nhất, ngày     31-12-2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thành lập. Thứ hai, việc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia đã kết thúc thành công.

Cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nói riêng và Hà Nội nói chung sẽ được gia tăng mạnh mẽ, nhưng đồng thời áp lực cạnh tranh cũng tăng gấp bội. Để tận dụng được thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế tri thức trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao là một tất yếu. Hà Nội có đầy đủ những thuận lợi để phát triển nhanh và toàn diện dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức. 

Để phát triển kinh tế tri thức, Hà Nội đương nhiên không chỉ đơn thuần cần một lực lượng đông đảo nguồn nhân lực đã qua đào tạo, mà hơn thế, đó phải là nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào nhiều phương diện. Trước hết, Hà Nội cần chuyển dịch mạnh hơn nữa cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành có hàm lượng công nghệ, tri thức cao như nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, đào tạo nghề trình độ cao... Việc chuyển dịch sẽ tạo sức hút và động lực cho sự phát triển nhân lực chất lượng cao. Nếu việc hình thành nhu cầu sử dụng không đi trước việc đào tạo, nguồn nhân lực này sẽ lại tiếp tục bị “chảy máu” vì không có môi trường để phát huy. 

Phá vỡ những điểm nghẽn

Những điểm nghẽn trong thu hút, sử dụng, đãi ngộ nhân lực trình độ cao sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của bộ phận nhân lực chất lượng cao. Người giỏi, năng lực chuyên môn cao thường luôn cần môi trường làm việc có chất lượng cao tương ứng để phát huy tối đa năng lực. Hà Nội cần xem xét, rà soát việc thực hiện cơ chế tuyển dụng và sử dụng đặc thù cũng như các chính sách hiện hành về sử dụng công chức, viên chức để tạo ra môi trường làm việc mang tính khuyến khích phát huy tối đa năng lực, thu hút được các tài năng. Thành phố cần mạnh dạn áp dụng thí điểm những chính sách mới phù hợp với đặc điểm riêng của Thủ đô. 

Cùng với đó, Hà Nội cần rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực trình độ cao với các nhóm đối tượng để từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo. Trên cơ sở thực trạng và định hướng phát triển kinh tế tri thức của Hà Nội, cần xác định được danh mục các năng lực và các phẩm chất mà đội ngũ nhân lực trình độ cao cần có. Đối với nhóm nhân lực lãnh đạo, quản lý, cần làm tốt công tác quy hoạch các vị trí lãnh đạo các sở ngành, đơn vị, rà soát thực trạng và nhu cầu bồi dưỡng nâng cao.

Đối với đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, Hà Nội không cần tổ chức đào tạo, đó là nhiệm vụ của các trường đại học và viện nghiên cứu. Song, thành phố cần đặt đầu bài, đặt yêu cầu cụ thể cho các nhà khoa học nhiều hơn nữa và tạo điều kiện cho họ triển khai thực hiện. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần xem xét thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ phù hợp với nhu cầu phát triển mũi nhọn của thành phố. 

Ước tính, trên địa bàn Hà Nội quy tụ hơn 70% cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước.