Thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là cần thiết

ANTD.VN - Sáng nay 2-11, sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc đề nghị phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, Quốc hội tiếp tục làm việc với phiên thảo luận tổ.

ĐB Nguyễn Chiến cho rằng, việc thống nhất phê chuẩn thông qua CPTPP trong giai đoạn hiện nay là cần thiết

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ĐB Nguyễn Chiến (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, việc thống nhất phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Vì Việt Nam là thành viên của các nước ASEAN, việc hội nhập bắt đầu cách đây rất nhiều năm, có đàm phán các Hiệp định với các quốc gia và có hiệu lực.

Hiện đã có 17 Hiệp định, đánh giá tác động thì đã thấy hiệu quả tích cực là thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao năng lực, năng suất của người lao động. Do vậy, việc tiến hành phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP cũng là cơ hội cho Việt Nam để sâu rộng hơn, bắt nhịp với tiến trình của khu vực và quốc tế.

“Tuy nhiên, việc tạo ra hành lang là vấn đề quan trọng nhất để doanh nghiệp, người lao động và đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đánh giá khả năng, khó khăn trong hành lang pháp lý là gì để có biện pháp khắc phục. Do vậy, cần sửa đổi một số luật, các quy định có liên quan đảm bảo tiến độ, thời gian tránh việc sửa đổi nhiều lần”, ĐB Nguyễn Chiến nhận định.

Tham gia thảo luận tại tổ, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho biết, qua theo dõi quá trình lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị đã bàn tính kỹ việc đảm bảo an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, thể chế. Đến nay, nội dung của Hiệp định đều hể hiện chỉ tập trung vào kinh tế.

“Qua thực tế hội nhập 30 năm qua, tham gia các Hiệp định, khi bước vào đều phân tích khó khăn thuận lợi nhưng niềm tin cao nên vượt qua khó khăn, thuận lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật. Trong báo cáo của Chính phủ đánh giá tác động vẫn chưa toàn diện nhưng cũng đã khẳng định có lộ trình để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tôi cho rằng, đến nay chúng ta có đủ điều kiện để phê chuẩn thông qua Hiệp định CPTPP”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ĐB Vũ Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH Quảng Ninh), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý: “Cần phải rà soát kỹ các văn bản pháp luật liên quan đến Hiệp định CPTPP để đảm bảo các điều khoản phù hợp với hiệp định này khi được thông qua. Nếu thấy cần sửa thì phải sửa ngay vì thời gian phê chuẩn Hiệp định CPTPP không còn lâu nữa”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, thuế sẽ giảm, giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, công nghệ, thiết bị tiên tiến.

“Tuy nhiên, cũng có mặt tiêu cực, đó là hàng hóa của các nước thành viên CPTPP sẽ vào thị trường trong nước, trong đó có những hàng hóa Việt Nam đã sản xuất được nhưng khả năng cạnh tranh không nổi, có nguy cơ bị lấn át và thua ngay trên sân nhà”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế  Vũ Hồng Thanh cảnh báo.