Loạt bài ghi chép tư liệu lịch sử của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng (7)

Thống nhất đất nước - Một quyết định lịch sử sáng suốt

ANTD.VN - Tháng 11-1975, đoàn đại biểu 2 miền Nam - Bắc đã họp Hội nghị Hiệp thương chính trị tại thành phố Hồ Chí Minh quyết nghị: “Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn nhất”. Vì vậy, Hội nghị Hiệp thương chính trị quyết định tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung thống nhất. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25-4-1976.

Thống nhất đất nước - Một quyết định lịch sử sáng suốt ảnh 1Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an

Như vậy, đã có một ngày tháng 4 lịch sử khác sau giải phóng đúng 1 năm. Trên 23 triệu cử tri với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình, bầu ra 492 đại biểu Quốc hội trên cả 2 miền Nam - Bắc.

Trong kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa VI (24-6 đến 3-7-1976), 492 đại biểu sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp đã nhất trí thông qua các nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô và quốc ca của nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội quyết định: Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là bài “Tiến quân ca”.

Thời gian đã lùi xa, nhưng giờ đây nhìn lại chúng ta thấy việc thống nhất đất nước về mặt nhà nước này là một quyết định chính trị mang ý nghĩa lịch sử. Đây thực sự là quyết sách sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta, có vai trò lớn lao đối với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Tại sao lại đánh giá như vậy và tại sao phải thống nhất ngay sau khi miền Nam giải phóng chỉ 1 năm? Những lý do sau đây sẽ trả lời câu hỏi lịch sử ấy.

Thống nhất đất nước - Một quyết định lịch sử sáng suốt ảnh 2Quốc hội biểu quyết thông qua Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thống nhất, ngày 2-6-1976

Thứ nhất, việc thống nhất đất nước là hiện thực hóa khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam. Trong suốt lịch sử dài từ phong kiến tới hiện đại, đất nước ta không ít lần bị chia cắt và được thống nhất trở lại.

Lần thứ nhất xảy ra vào thế kỷ X, kéo dài từ năm 945 đến năm 967. Sách sử gọi thời kỳ này là thời “Thập nhị sứ quân”, đất nước ở trong tình trạng phân chia bởi cuộc chiến tương tàn giữa các phe phái phong kiến. Đinh Tiên Hoàng nổi lên dẹp tan lãnh chúa địa phương, đem lại thống nhất cho dân tộc vào năm 967.

Lần thứ hai vào thế kỷ thứ XVI kéo dài từ năm 1533 cho đến 1592, thời kỳ này gọi là Nam Triều - Bắc Triều. Nam Triều là thế lực do Nguyễn Kim - Trịnh Kiểm lãnh đạo mưu đồ phục hưng nhà Lê. Bắc Triều là thế lực của Mạc Đăng Dung và con cháu. Nhà Mạc diệt vong và nhờ vậy, đất nước ta được thống nhất.

Lần chia cắt thứ ba kéo dài từ năm 1627 cho đến năm 1775. Đó là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, với Chúa Trịnh nắm quyền ở phương Bắc và Chúa Nguyễn nắm quyền ở phương Nam. Hai phe nhiều lần gây chiến với nhau và đất nước chỉ thống nhất vào đầu thập niên 1770 khi anh em Nguyễn Huệ nổi lên ở miền Nam đánh tan cả 2 thế lực Trịnh - Nguyễn, lập ra nhà Tây Sơn, tạm thống nhất đất nước vào cuối thập niên 1770. Về sau, Gia Long Nguyễn Ánh tiêu diệt Tây Sơn vào năm 1802, lập ra triều Nguyễn và hoàn thành công cuộc thống nhất hoàn toàn đất nước Việt Nam. 

Lần chia cắt thứ tư diễn ra vào năm 1954 với quyết định của Hiệp định Genève tạm chia đôi 2 miền Nam - Bắc Việt Nam tại vĩ tuyến 17. Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lãnh đạo miền Nam, ngăn cản tổng tuyển cử thống nhất, đẩy nhân dân ta một lần nữa vào cuộc chiến đẫm máu kéo dài hơn 20 năm.

Thống nhất đất nước - Một quyết định lịch sử sáng suốt ảnh 3Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa VI tại khu phố Ba Đình, Hà Nội, tháng 4-1976

Có thể nói, là một quốc gia bị chia cắt nhiều lần và liên tục phải đứng lên đấu tranh cho toàn vẹn lãnh thổ, nguyện vọng thống nhất của dân tộc ta là lớn lao. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài với bao tổn thất cũng chỉ để đổi lấy độc lập và thống nhất, đúng như lời chúc Tết của Bác Hồ năm 1968: “Tiến lên chiến sĩ đồng bào. Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Đó chính là lời non nước của dân tộc. Vì thế, sau khi giải phóng miền Nam, quyết định thống nhất Tổ quốc là thực hiện ước vọng thiêng liêng của nhân dân, ước vọng không chỉ của 20 năm kháng chiến mà còn là khát khao trong hàng ngàn năm lịch sử dân tộc.

Thứ hai, quyết định thống nhất nhanh chóng vào năm 1976 đã phá tan âm mưu của Mỹ nhằm tiếp tục can dự và chi phối Việt Nam. Kế hoạch này và những tính toán của Mỹ đã có từ thời điểm Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973. Sau Hiệp định Paris, Mỹ đã hy vọng về một giải pháp chính phủ liên hiệp 3 thành phần ở miền Nam Việt Nam. Thành phần thứ nhất là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Mặt trận Dân tộc giải phóng). Thành phần thứ hai là Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu. Thành phần thứ ba là các lực lượng trung lập.

Nhưng sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ vào tháng 3-1975, Mỹ nhận thấy rõ ràng kế hoạch 3 thành phần với cuộc bầu cử Tổng thống công khai ở miền Nam không bao giờ còn thực hiện được nữa. Mỹ biết miền Nam sẽ được giải phóng và gấp rút điều chỉnh kế hoạch. Từ ý đồ “3 thành phần như đúng Hiệp định Paris, Mỹ đã chỉ còn hy vọng vào một giải pháp “2 thành phần”.

Nghĩa là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và một thành phần trung lập do Mỹ chi phối. Mỹ muốn sử dụng lá bài Trương Đình Du, một luật sư có tiếng đã từng tranh cử với Nguyễn Văn Thiệu nhưng thất bại vào năm 1967, sau đó bị chính quyền Thiệu bỏ tù tới năm 1975 mới được thả. Trương Đình Du nổi tiếng vì lập trường hòa bình, muốn đàm phán với miền Bắc và lại có quan hệ tốt với lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Vì thế, Mỹ rất hy vọng Du sẽ lãnh đạo thành phần trung lập sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ý đồ “2 thành phần” cũng không chỉ là của Mỹ mà còn là của Tổng thống Pháp Giscard d'Estaing. Ông này tin rằng, sự hiện diện của Pháp ở Việt Nam sẽ tăng lên nếu miền Nam trung lập với 2 thành phần là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và lực lượng thứ ba. Pháp muốn mình có vai trò thúc đẩy giải pháp này để có ảnh hưởng tại miền Nam sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam giành quyền kiểm soát về quân sự.

Ngày 1-3-1975, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Nam Á Dougles Pike (đồng thời là CIA) và Giám đốc Phòng Thông tin Mỹ ở Sài Gòn (USIS) Alan Carter (nhân viên CIA cao cấp) đã gặp Trương Đình Du tại nhà riêng của Alan Carter. Tại cuộc gặp này, Pike đã phác thảo một kế hoạch đầy đủ để Du tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cải tổ gồm 2 thành phần. Pike mời Du sang Washington tháng 4-1975 để bàn cụ thể thêm, nhưng những diễn biến quân sự quá nhanh ở miền Nam Việt Nam đã khiến chuyến đi này không thực hiện được. Ngày 19-4-1975, Pike tới Việt Nam một lần nữa để xác nhận với Trương Đình Du về kế hoạch thúc đẩy Du tham gia một chính phủ cách mạng có cả lực lượng thứ 3 mà Du sẽ dẫn dắt.

Còn tiếp

Bài 8: Sự thật về cuộc di tản ở miền Nam  sau giải phóng