Thông điệp của sự lắng nghe và hành động

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước năm 2017. Theo đó, Bộ bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục thuộc phạm vi Bộ quản lý nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. 

123 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Công Thương sẽ được bãi bỏ, đơn giản hóa

Đơn giản hóa 30% thủ tục hành chính

Các thủ tục hành chính được Bộ Công Thương bãi bỏ hoặc đơn giản hoá đợt này tập trung vào nhóm thủ tục về kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục), thương mại quốc tế (3 thủ tục), công nghiệp nặng (2 thủ tục), sản xuất kinh doanh thuốc lá (6 thủ tục), kinh doanh khí (18 thủ tục), kinh doanh rượu (19 thủ tục), xăng dầu (15 thủ tục), an toàn thực phẩm (12 thủ tục), xuất nhập khẩu (8 thủ tục), xúc tiến thương mại (5 thủ tục)...

Bộ Công Thương cho biết, suốt nhiều tháng qua, công tác rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính đã được thực hiện, trong đó có những lĩnh vực đang rất được quan tâm.

Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị triển khai một số đầu việc cụ thể như: ban hành Thông tư bãi bỏ việc kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may; sửa đổi Danh mục sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng; sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục khai báo hóa chất...

Kế hoạch sửa đổi lần này của Bộ Công Thương liên quan đến 40 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 28 Thông tư, 1 Quyết định, 9 Nghị định, 2 Thông tư liên tịch) ở 17 lĩnh vực khác nhau. “Khối lượng thủ tục cắt giảm và đơn giản hóa lên tới gần 30% tổng số thủ tục hành chính hiện có của ngành Công Thương.

Đây là quyết định mang tính đột phá trong công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương. Trong năm 2017, Vụ Pháp chế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, sửa đổi, ban hành mới các quy định. Khối lượng công việc rất lớn nhưng cũng phải làm, bởi đây là đòi hỏi bức thiết cũng như quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ”, ông Trần Hữu Linh, Chánh Văn phòng Bộ Công Thương cho biết.

Thực hiện cho bằng được

Đánh giá về động thái mới của Bộ Công Thương, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là một tín hiệu rất tích cực đối với môi trường kinh doanh ở Việt Nam, bởi Bộ Công Thương là bộ có nhiều thủ tục liên quan đến các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, xuất nhập khẩu.

“Cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều phản ánh về những khó khăn, phiền hà trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến Bộ Công Thương, chẳng hạn như quy định dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất hay kiểm tra formaldehyte và amin thơm đối với hàng dệt may, kinh doanh gas... Bằng việc bãi bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ Công Thương đã thể hiện thông điệp ngành công thương đã lắng nghe, tiếp thu phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và đưa ra những hành động thiết thực để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không chỉ đơn thuần là bỏ một thủ tục mà sẽ giúp giảm rất nhiều thời gian, công sức cho doanh nghiệp, làm tăng sức cạnh tranh.

Qua đó, nền kinh tế, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi về lâu dài. Việc này cũng không có nghĩa là buông lỏng công tác quản lý Nhà nước mà là chuyển cách tiếp cận công tác quản lý sang một khía cạnh khác là đơn giản hóa khâu tiền kiểm và chú trọng hậu kiểm.

“Tôi lạc quan với sự thay đổi này. Vì thứ nhất, nó đã giải quyết rất nhiều khó khăn đã tồn tại từ lâu cho doanh nghiệp. Thứ hai, nó sẽ tạo ra động lực, truyền cảm hứng cho bộ, ngành khác cũng phải thay đổi, cải thiện”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương sớm đi vào hiện thực: “Ngành Công Thương cần làm sao thực hiện tốt, nhanh, đúng tinh thần kế hoạch này và thực hiện cho bằng được chứ không thể lần lữa mãi”.