Thói quen lách luật

(ANTĐ) - Vừa qua, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân phải “kêu trời” vì phân bón rởm. Thế nhưng, không những không sợ, “nhà sản xuất” bán phân bón rởm lại rất hăng hái đi nộp phạt. Hóa ra, mức phạt chỉ có 1,2 triệu đồng xấp xỉ giá trị 1 bao phân bón. Người ta nộp phạt xong còn về... bán hàng tiếp. Câu chuyện này đã được ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp kể lại như một dẫn chứng về tình trạng “phạt cho tồn tại”.

Thói quen lách luật

(ANTĐ) - Vừa qua, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân phải “kêu trời” vì phân bón rởm. Thế nhưng, không những không sợ, “nhà sản xuất” bán phân bón rởm lại rất hăng hái đi nộp phạt. Hóa ra, mức phạt chỉ có 1,2 triệu đồng xấp xỉ giá trị 1 bao phân bón. Người ta nộp phạt xong còn về... bán hàng tiếp. Câu chuyện này đã được ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp kể lại như một dẫn chứng về tình trạng “phạt cho tồn tại”.

Câu chuyện thứ 2 là mối băn khoăn của ông Trần Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Bộ KH&CN khi bàn chuyện mũ bảo hiểm thời trang. Ông nói, quan điểm của Bộ là dù cách điệu đến đâu thì mũ bảo hiểm thời trang vẫn phải đảm bảo các tiêu chí an toàn, kỹ thuật, không được che tầm nhìn...

Thực tế, có nhiều loại mũ “đẹp thì có đẹp” nhưng không đạt chất lượng, thậm chí, còn không có tấm đệm ở giữa mà chỉ có vỏ mũ. Những loại mũ này luôn được để lẫn với mũ bình thường. Khi đoàn kiểm tra đến, ngay lập tức, họ nại ra rằng, ấy là họ bán mũ bình thường chứ đâu phải mũ bảo hiểm. Ai mua về đội như thế nào thì làm sao họ biết được?

Đáng lo ngại nhất chính là thói quen “lách luật”. Nguy hiểm hơn, có những qui định mới ban hành nhưng người ta lại cho rằng đó chỉ là động tác “giơ cao đánh khẽ” rồi đâu lại vào đấy... và tiếp tục vi phạm pháp luật. Trong khi đó, việc giáo dục, phổ biến tuyên truyền pháp luật rất hạn chế. Các hình thức tuyên tuyền đơn điệu như phát không báo, tổ chức tập huấn cho cán bộ, người dân cơ sở...

Một đề án mới nhằm tuyên truyền pháp luật của một công ty tư nhân đã được Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao. Nhiều chuyên gia pháp luật đã hết sức ngỡ ngàng trước cái tên của đề án hết sức lãng mạn “Sức nước ngàn năm” nhưng xem kỹ, lại thấy vô cùng hữu dụng, khả thi. Đề án được coi như một sáng kiến độc đáo, biến mọi văn bản pháp luật trở nên dễ gần, dễ hiểu, dễ vận dụng.

Ông Nguyễn Đình Lộc đã nhấn mạnh, đằng sau mỗi điều luật khô khan là những số phận con người cho nên luật phải gần gũi trong đời sống. Tiếc rằng, người dân tìm hiểu về pháp luật ở Việt Nam như cảnh con chim chích lạc vào rừng xanh.

Một hệ thống đồ sộ hơn 26.000 văn bản nằm rải rác, không được hệ thống hóa, rất khó tra cứu. Vì thế, phải làm sao, người dân hiểu và phải tự nguyện tuân thủ pháp luật. Việc tuyên truyền phải lưu ý rằng, không phải cứ vi phạm luật là do thiếu hiểu biết. Có những người rất hiểu biết pháp luật, nhưng họ vận dụng để tìm kẽ hở lách luật.

Phạm Huyền