Thiếu tướng Lê Văn Cương: Quy định không quay phim, chụp ảnh cán bộ tiếp dân là phù hợp Hiến pháp và luật pháp

ANTD.VN - “Không chỉ riêng Hà Nội, nhiều nước trên thế giới cũng quy định, không chỉ công dân mà ngay cả báo chí cũng không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm nhân viên công quyền đang tiếp dân, trừ khi có sự đồng ý của họ. Vì thế quy định này của Hà Nội là hoàn toàn phù hợp” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược- Bộ Công an nói.

Bày tỏ quan điểm của mình về quy định mới được UBND Thành phố Hà Nội ban hành, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, lẽ ra việc này cần phải được thực hiện sớm hơn. Tại nhiều quốc gia, việc người dân đến trụ sở cơ quan công quyền làm việc cũng như thái độ tiếp dân của nhân viên chính quyền được lập hẳn thành một bộ quy tắc giống như từ điển.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an)

Ở đó quy định rõ người dân phải có trang phục lịch sự, phù hợp, trình bày các nội dung vấn đề theo trọng tâm cần phản ánh. Cán bộ cũng phải có thái độ lịch sự, chu đáo, ân cần. Quá trình làm việc cũng phải trọng thị lẫn nhau và trên cơ sở xây dựng.

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, đây là nguyên tắc chung mang tính phổ quát toàn cầu chứ không chỉ riêng Hà Nội. Đó là nhà nước có quyền quy định nơi chốn nào thuộc cơ quan công quyền mà người dân và kể cả báo chí không được đến ghi âm chụp ảnh.

Kèm theo quy định này cũng cần nhắc lại về thái độ ứng xử của cán bộ với người dân. “Tôi đi nhiều nước trên thế giới, thấy nhân viên công quyền tiếp dân đều một điều thưa ông, thưa bà rất lịch sự. Khi xong việc, họ còn ân cần hướng dẫn người dân ra về, đặc biệt là với người già.

Ví dụ như tôi thấy họ hướng dẫn công dân nên đi hướng nào để ra bến xe buýt, bến tàu điện ngầm cách đây bao xa, đón taxi ở đâu cho tiện. Thậm chí những việc tưởng chừng cỏn con như lưu ý bậc cầu thang rất trơn nên các ông, các bà đi xuống thật cẩn thận kẻo ngã. Tôi nghĩ thái độ như thế cũng đã làm giảm bớt rất nhiều sự bức xúc của người dân rồi” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nói

Cũng theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, công dân khi đến trụ sở tiếp dân phải ăn mặc lịch sự, làm việc phải hỏi thưa đàng hoàng. Cho dù tâm trạng bức xúc thế nào đi nữa thì cũng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tôn trọng nhân viên công quyền. Do đó quy định của Hà Nội không hề trái với hiến pháp, luật pháp, cũng không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hay như báo chí.

Với câu hỏi tại sao phải cần có quy định này? Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, mọi quy định đều xuất phát từ đòi hỏi khách quan cuộc sống. Trên thực tế hiện nay, tại các trụ sở tiếp dân vẫn có một số trường hợp là người dân đến khiếu kiện, đề xuất với cơ quan công quyền nhưng lại có thái độ không đúng mực, thậm chí là vi phạm luật pháp. Có người thì đập bàn, đập ghế. Có người thì chửi bới lăng mạ, xúc phạm cán bộ hoặc nói những câu rất thiếu văn hóa.

“Nếu tất những lời nói, hành vi đó lại ghi hình và đưa lên mạng với mục đích không tốt điều gì sẽ xảy ra? Không lẽ chốn công quyền sẽ thành cái chợ ai muốn chửi, ai muốn ăn nói vô văn hóa cũng được? Rồi giữa những lời lẽ tục tĩu, hành vi thiếu văn minh kia, ai sẽ giải thích được trong việc này cơ quan công quyền đúng hay người dân đúng? Rồi những kẻ xấu lại lợi dụng hình ảnh đó bôi nhọ xuyên tạc bóp méo vấn đề thì câu chuyện sẽ bị đẩy đi quá xa và không còn đúng với bản chất ban đầu” - Thiếu tướng Lê Văn Cương đặt vấn đề.

Nơi tiếp dân là chốn trang nghiêm, chúng ta cũng cần thừa nhận đã có nhiều cán bộ có thái độ không đúng mực với dân. Tuy nhiên, ta cũng cần nói rõ thêm là thủ trưởng cơ quan công quyền cần phải giám sát hành vi ứng xử, thái độ tiếp dân của cán bộ thuộc quyền mình. Ai có thái độ không tốt sẽ phải xử phạt ngay chứ không thể chỉ trách móc khơi khơi được.

Chúng ta có nhiều quy định, nhưng có vẻ các quy định đó chỉ mang tính khuyên bảo chung chung. Tôi sang Đức, ở bên đó họ có cả một cuốn từ điển hành vi ứng xử của quan chức và công dân, rất rõ ràng cụ thể. Ai vi phạm sẽ chịu phạt ngay, bằng tiền hẳn hoi. Nếu tái phạm nhiều lần thì thậm chí có thể bị tù.

Còn chúng ta, quy định lập ra mà nhiều người vi phạm nhưng chẳng hề có ai bị phạt cả. Cứ để vậy rồi lâu lâu rồi sẽ thành miễn nhiễm với quy định. “Cho nên tôi cho rằng, quy định này cũng cần cũng cần phải nói rõ mức phạt và phải xử phạt thực sự nếu có vi phạm” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh