Thiếu trầm trọng đội ngũ điều dưỡng viên

(ANTĐ) - Điều dưỡng viên (ĐDV) đang được đánh giá là thiếu trầm trọng tại Việt Nam. Hiện nay cả nước chỉ có 61.000 điều dưỡng viên, đạt tỷ lệ 1,57 ĐDV/ bác sỹ. Trong khi đó tỷ lệ này ở thế giới là 4-8 ĐDV/bác sỹ. Nếu phấn đấu theo kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác điều dưỡng hộ sinh giai đoạn 2002-2010 thì đến năm 2010 cả nước cần 187.000 ĐDV, đạt tỷ lệ 3 ĐDV/bác sỹ. Như vậy trong khoảng ba năm nữa Việt Nam phải đào tạo thêm được khoảng 126.000 ĐDV, gấp đôi con số  hiện  có.

Thiếu trầm trọng đội ngũ điều dưỡng viên

(ANTĐ) - Điều dưỡng viên (ĐDV) đang được đánh giá là thiếu trầm trọng tại Việt Nam. Hiện nay cả nước chỉ có 61.000 điều dưỡng viên, đạt tỷ lệ 1,57 ĐDV/ bác sỹ. Trong khi đó tỷ lệ này ở thế giới là 4-8 ĐDV/bác sỹ. Nếu phấn đấu theo kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác điều dưỡng hộ sinh giai đoạn 2002-2010 thì đến năm 2010 cả nước cần 187.000 ĐDV, đạt tỷ lệ 3 ĐDV/bác sỹ. Như vậy trong khoảng ba năm nữa Việt Nam phải đào tạo thêm được khoảng 126.000 ĐDV, gấp đôi con số  hiện  có.

Bất cứ một cơ sở chăm sóc y tế nào cũng cần ĐDV. Họ có mặt ở khắp mọi nơi. Trong các bệnh viện, ĐDV có thể chăm sóc từ một đến nhiều bệnh nhân: ĐDV cho các bệnh nhân bị thương hoặc bệnh nhân nặng phải theo dõi thường xuyên, bệnh nhân trước, trong và sau phẫu thuật, sinh nở, trẻ sơ sinh, trẻ em, bệnh nhân bị tai nạn, bệnh nhân tim mạch.

Trong các gia đình, ĐDV là người theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên. Xã hội phát triển, dân số tăng nhanh thì ĐDV càng cần thiết hơn bao giờ hết. Theo Bộ Y tế, lực lượng điều dưỡng chiếm gần 50% nguồn nhân lực của bệnh viện nhưng họ lại thực hiện tới 80% công việc điều trị cho bệnh nhân. Họ là người chăm sóc bệnh nhân từ lúc vào viện cho đến khi xuất viện.

Hiện tại tỷ lệ ĐDV/bác sỹ ở Việt Nam là 1,57/1 trong khi ở Thái Lan là 8/1 và Nhật Bản là 4/1. Như vậy có thể thấy, ĐDV Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu.

Không chỉ trong nước mà trên thế giới, ĐDV cũng đang thiếu trầm trọng. Nhiều nước như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Canada cũng phải đứng trước bài toán này. Đó chính là cơ hội để các nước kém phát triển xuất khẩu lao động. Philippines được coi là nước xuất khẩu ĐDV lớn nhất thế giới, mỗi năm hàng nghìn ĐDV được đưa sang thị trường Mỹ với mức thu nhập từ 7.000-10.000USD/tháng. Tuy nhiên Việt Nam đành phải bỏ lỡ cơ hội.

Một trong những nguyên nhân khiến lực lượng ĐDV ít và giới trẻ không mặn mà với nghề ĐDV là do ngành y tế còn thiếu những chính sách đồng bộ khiến ĐDV không có ý chí phấn đấu như: mức thu nhập thấp, điều kiện làm việc vất vả, chưa được xã hội coi trọng...

Đồng thời trong công tác đào tạo, chúng ta thường chỉ tập trung đào tạo đội ngũ y, bác sỹ mà quên mất nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân cũng vô cùng quan trọng. Thêm vào đó, với các thí sinh khá giỏi thường lựa chọn ĐH Y, Dược hơn là các trường điều dưỡng.

Theo ông Đinh Ngọc Đệ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Điều dưỡng Nam Định,  mặc dù nhu cầu cả ở Trung ương và địa phương rất lớn nhưng mỗi năm trường chỉ có thể đào tạo khoảng hơn 1.000 sinh viên vì cơ sở vật chất, năng lực đào tạo còn hạn chế. Trong khi đó, tại các trường trung học, cao đẳng điều dưỡng trong cả nước, mỗi năm cũng chỉ tuyển sinh 200-300 học viên.

Không chỉ thiếu mà ĐDV tại nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện địa phương còn yếu. Theo Hội Điều dưỡng Việt Nam, hiện nay ĐDV có trình độ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 5%, số còn lại là tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp, làm những công việc thuần túy như phát thuốc, tiêm thuốc cho bệnh nhân chứ không có trình độ chăm sóc và điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Nếu như ở nước ngoài, sau khi được đào tạo 4 năm cử nhân điều dưỡng, học viên theo chuyên khoa nào phải tiếp tục học chuyên khoa đó mới được hành nghề thì tại Việt Nam, ĐDV gần như chưa có chuyên môn gì.

Bà Nguyễn Ngọc Anh, Hội điều dưỡng Việt Nam cũng cho biết, hầu hết các bệnh viện đều thiếu đội ngũ điều dưỡng viên, trung bình mỗi người phải quản lý gần 3 giường bệnh, áp lực công việc lớn là nguyên nhân dẫn đến những sai sót trong quá trình chăm sóc bệnh nhân: tiêm nhầm thuốc, nhầm bệnh nhân, các y lệnh: nhịp thở, huyết áp, mạch... không được ghi chép đầy đủ.

Như vậy chừng nào ĐDV không được đào tạo đầy đủ và bài bản thì chừng đó chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân còn có những bất cập.

Mai Hà