Thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, 20 người đứng đầu bị xử lý

ANTD.VN - Thanh tra Chính phủ đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp…

Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Hà Nội

Sáng 16-1, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác thanh tra năm 2018. Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2017, các ngành, các cấp đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Đáng chú ý, tổng hợp kết quả minh bạch tài sản, thu nhập năm 2017 cho thấy: Số người đã kê khai tài sản, thu nhập 1.113.422 người (tăng 10,8% so với năm 2016); đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai: 1.111.818 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.

Đặc biệt, đã có 29 người nộp lại quà tặng cho đơn vị, với giá trị quà tặng là 528 triệu đồng. Việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp đã được chấn chỉnh, khắc phục, những trường hợp vi phạm bị xử lý kỷ luật, kể cả cán bộ cấp cao; xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 2 người đã bị xử lý hình sự; 14 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như: Cảnh cáo, khiển trách, các trường hợp còn lại đang trong quá trình xử lý.

Đối với việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết quyết khiếu nại, tố cáo cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 87 vụ việc với 123 người có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người so với năm 2016), trong đó: công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 50 vụ, 80 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Tuy nhiên, TTCP cũng đánh giá, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành vẫn còn thiếu quyết liệt. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

Công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp…

Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm.

Việc nắm bắt tình hình để tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn ít; việc xử lý đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát hiện hành vi tham nhũng còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả.