Thiếu điện - lỗi tại bên nào?
(ANTĐ) - Ngành điện luôn làm nóng dư luận bởi những “căn bệnh cố hữu” như thiếu điện triền miên, cắt điện đột ngột, hàng loạt nguồn điện bị sự cố và mới đây, là câu chuyện không huy động hết công suất Nhà máy Khí điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bên lề cuộc giao ban trực tuyến của Bộ Công thương sáng qua, 8-7, ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trả lời về vấn đề này.
- Xin ông cho biết cụ thể việc một loạt các nhà máy điện ngừng vận hành hiện nay?
- Ông Phạm Lê Thanh: Chúng tôi đang phải cân đối cung cầu điện trong tình hình rất khó khăn. Các chủ đầu tư đã cố gắng nhưng kết quả chưa như mong muốn. Ba nguồn điện của PetroVietnam mới cung cấp được 510MW trên tổng công suất 1.800MW.
Theo kế hoạch, nhà máy Cà Mau 1 (750MW) phải đưa vào vận hành từ tháng 12-2007, nhưng đến 20-3 vừa rồi, nhà máy mới vào hệ thống. Tháng 4, 5, nhà máy lại tiếp tục thí nghiệm và đến 4-7, mới phát điện được 375MW. Dự án Nhơn Trạch 1 (450MW) chính thức hòa lưới điện 1 tổ máy 150MW ngày 30-6 trong khi, đáng lẽ phải vào hệ thống từ tháng 3.
EVN phải đảm bảo cung ứng đủ điện |
Tương tự, nhà máy điện Cà Mau 2 (750MW) phải vào hệ thống từ tháng 3 thì nay, vẫn đang thí nghiệm, tháng 11 mới vận hành. Mùa khô vừa rồi, Nhà máy Uông Bí mở rộng do Lilama làm tổng thầu vận hành lúc được lúc không. Từ ngày 6-5, nhà máy này bị sự cố máy biến áp nên tổng công suất 300MW đã bật ra khỏi lưới điện, nhanh nhất, tháng 11 mới sửa chữa xong.
Dự án Phú Mỹ 2.2 do EDF làm chủ đầu tư, đang vận hành cũng bị sự cố trạm biến áp, mất một nửa công suất là 360MW. Cả hệ thống thiếu khoảng 2.500MW. Đây là thực tế ngoài mong muốn. Quả thực, chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể, còn nguồn nào là đã huy động hết.
- Thưa ông, phía Petro Vietnam cho rằng, EVN đã không mua hết điện của họ, ông giải thích ra sao việc này?
- Ông Phạm Lê Thanh: Tôi đã có văn bản gửi Tổng giám đốc PetroVietnam về việc này. Chúng tôi khẳng định, trong tháng 3, 4, PetroVietnam đã có văn bản đăng ký sản lượng điện cụ thể và chúng tôi đã huy động phát điện trên cả con số mà họ đăng ký.
Tuy nhiên, đầu tháng 5, nước lũ về tốt, thuận lợi cho thủy điện. Chúng tôi lại đang bị lỗ, do đó, áp dụng nguyên tắc huy động nguồn điện rẻ tiền trước.
Chúng tôi mua điện của PetroVietnam với giá là 8cent/kWh, nhưng bán cho dân chỉ có 5cent/kWh, lỗ 2.100 tỷ đồng.
Hiện giờ, chúng tôi sẵn sàng huy động mọi nguồn điện, nhưng thực tế, họ cũng không có điện cho chúng tôi mua.
- Ngành dệt may, thép đều kêu bị cắt điện đột ngột, gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Xin ông cho biết lý do và hướng xử lý?
- Ông Phạm Lê Thanh: Điện cho sản xuất chỉ chiếm 51% tổng nhu cầu điện, chúng tôi có thể đảm bảo cung cấp đủ. Tuy nhiên, trong thời điểm căng thẳng nguồn như hiện nay, mất một lúc tới 2.000MW-2.500MW thì bắt buộc, chúng tôi phải sa thải điện một số đường dây để giữ an toàn hệ thống.
Điều đó, Luật Điện lực đã quy định. Trong trường hợp bất khả kháng, thời điểm hệ thống phụ tải không có điện, nếu cứ để tất cả các phụ tải cùng làm việc, sẽ xảy ra rã, sập lưới điện. Khi đó, các nhà máy nhiệt điện than sẽ bật ra khỏi hệ thống.
Lúc đó, muốn khởi động nhà máy nhiệt điện than phải mất 2-3 ngày. Còn theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi quán triệt nguyên tắc, không cho phép làm ảnh hưởng nguồn điện cho sản xuất, bệnh viện, nước sạch, đèn tín hiệu giao thông, trường học và nhu cầu thiết yếu xã hội.
Để thiếu điện vì bất kể lý do gì, là có lỗi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và tất cả các đơn vị đã tham gia vào ngành điện cần thấy rằng, bất kể lý do gì mà để thiếu điện cho sản xuất, cho tiêu dùng là chúng ta có lỗi. Bây giờ, chúng ta phải chụm đầu vào mà giải quyết. Với việc hàng loạt nhà máy điện bị sự cố, Tổng giám đốc EVN phải chỉ đạo làm ngày làm đêm, để sang tuần sau, lần lượt đưa các nhà máy đó vào hệ thống. Đối với những nhà máy như Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, PetroVietnam phải rút ngắn thời gian thí nghiệm. Các đơn vị đều tập trung nâng cao giá trị sản xuất mà lại không có điện thì không được. Trong thời gian vừa qua, ngành xăng dầu thiếu vốn như vậy, phải bù lỗ như vậy nhưng họ vẫn đảm bảo được cung cầu xăng dầu cho cả nước. Phải thấy, đó là sự rất cố gắng của họ. Tất cả các giải pháp cần thiết phải được làm ngay trong giai đoạn này. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (Chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương) Thiệt hại lớn vì bị đột ngột cắt điện Cái cần ổn định nhất hiện nay là điện nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may chúng tôi bị cắt điện rất đột ngột. Tai hại nhất là các dây chuyền nhuộm, mỗi lần cắt điện thì coi như toàn bộ số vải nhuộm đó phải vứt đi. Các doanh nghiệp ở nhiều khu công nghiệp đang kêu trời vì ngành điện liên tục cắt mà không báo trước. Ông Vũ Đức Thịnh Phải chấm dứt ngay chuyện đổ lỗi này Các đơn vị sản xuất cần được đảm bảo cung cấp đủ điện để nâng cao giá trị sản xuất, đảm bảo tốc độ tăng trưởng. Chuyện thiếu điện rồi đổ lỗi cho nhau giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải chấm dứt ngay. Thực tế, các dự án nguồn điện của EVN cũng rất chậm tiến độ chứ không phải chỉ có dự án điện của PetroVietnam chậm. Việc cân đối nguồn điện, cung ứng đủ điện, EVN phải có trách nhiệm đảm bảo. Tôi đề nghị, nên lập tổ công tác giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Công Thương, do Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đứng đầu, kiểm tra ngay trách nhiệm cụ thể của các nhà đầu tư, nhà thầu nguồn điện. Các Sở Công thương cũng phải giám sát, xem xét ngay việc cắt điện đột xuất tại các khu công nghiệp, các nhà máy. Ông Bùi Xuân Khu |
Phạm Huyền (Thực hiện)