Thiếu điện “kinh niên”
(ANTĐ) - Mùa hè này, được dự báo là một mùa nắng nóng đặc trưng El Nino, lại ám ảnh từ người dân, các ngành sản xuất, cho đến các doanh nghiệp. Năm nào cũng như năm nào, thiếu điện hầu như đã trở thành “căn bệnh” kinh niên, bệnh theo mùa mà chưa thể tìm ra “vaccine” tiêm phòng, ngăn ngừa…
Dư luận xã hội dường như đã “quen” với những thông báo thường niên vào đầu mùa hè của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rằng, năm nay tình hình cung cấp điện lại tiếp tục căng thẳng; các điều kiện đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế vẫn tiếp tục… bấp bênh. Có nghĩa là điện sẽ lại “phập phù”, cắt cúp vô tội vạ. Mới đây EVN đã chính thức thông báo, phía Trung Quốc tạm ngừng bán điện đường dây Tân Triều - Lào Cai 220KV và đường dây 110KV Hà Khẩu - Lào Cai với lý do rất “chính đáng” là để thi công các công trình. Tình trạng các hồ thủy điện ở phía Bắc hiện ra sao? Mực nước chứa tại hầu hết các hồ đang tụt thấp đến “điểm chết” do không lấy đâu ra nước để chứa.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương giải thích tình trạng thiếu nước đến mức cạn kiệt của các nhà máy thủy điện ở phía Bắc là vì dòng chảy của các con sông từ Trung Quốc vào Việt Nam đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Nên nhớ rằng, toàn bộ các dòng sông chảy vào đất nước ta đều bắt nguồn từ nước láng giềng này. Theo báo cáo của trung tâm này: “Có những thời điểm Trung Quốc tích nước ở trên thượng nguồn nhưng lại không “chịu” xả nước vào những thời điểm mà Việt Nam cần. Họ thường tích nước từ giữa tháng 7, trong khi ở Việt Nam thường bắt đầu từ ngày 20-8”.
Đây quả là điều bất khả kháng, nước ta ở dưới hạ lưu, cuối nguồn sông đành phải chấp nhận. Song, khi nhận ra thực trạng trên, ngay từ đầu tháng 8-2009, Trung tâm Dự báo khí tượng đã yêu cầu EVN tích nước ngay, nhưng không ngờ vẫn trở tay không kịp. Ngoài nguyên nhân “tại trời” làm hạn hán khủng khiếp, còn một nguyên nhân lớn là do nước đã bị chặn đứng ngay từ đầu nguồn. Phó Tổng Giám đốc EVN thông báo, từ tháng 1 đến tháng 3-2010, lượng nước đổ về thiếu tới 70% so với mọi năm, khiến cho hồ chứa Hòa Bình thấp hơn 1,28m, Thác Bà hơn 3,93m, Tuyên Quang thấp tới 12,98m, ngay cả một số nhà máy mới đã tích nước từ năm 2009 mà đến nay không “thoát” nổi mực nước chết, máy móc bất động.
Như vậy, tổng lượng nước thiếu hụt năm nay so với năm ngoái tương đương với mức thiếu hụt 500 triệu Kwh điện. Cộng với việc đối tác tạm dừng bán khoảng 14 triệu Kwh/ngày, áp lực “đói” điện càng nghiêm trọng hơn. Một cảnh báo đáng lo ngại là: Khi mất đi 5% nguồn điện từ Trung Quốc đang bán cho ta, cộng với các nguồn từ thủy điện bị cắt giảm do thiếu nước, các nhà máy nhiệt, khí điện cũng bị giảm công suất do thiếu nhiên liệu, thì khả năng đường dây 500KV có thể bị “rã” lưới vào giờ cao điểm. Thiếu điện “kinh niên” có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Không thể không nhắc lại nguyên nhân tỷ lệ tổn thất điện vẫn quá cao tới 9,7%.
Cho dù mỗi ngày có một “Giờ Trái đất”, toàn dân tiết kiệm điện hết mức, trong khi EVN vẫn để tổn thất điện cao thì người chịu hậu quả cũng chỉ là người dân, doanh nghiệp. Bao năm nay EVN liên tục kêu thiếu vốn, vậy tại sao nhiều tập đoàn lớn như Tập đoàn Dầu khí, TCT xây dựng Sông Đà… lại đổ tiền vào các dự án điện ở Lào và Campuchia? Phải chăng họ “sợ” sự độc quyền của EVN, độc quyền từ sản xuất, cung ứng, điều độ cho đến giá bán, giá mua? EVN kêu thiếu vốn nhưng cũng đổ tiền xây dựng một số dự án thủy điện ở Lào vì sợ mất thế cạnh tranh?
Đan Thanh