Thiếu cơ chế bảo vệ lao động xuất khẩu

ANTD.VN - Xuất khẩu lao động đang mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ người lao động khi bị chủ sử dụng lao động nước sở tại xâm hại quyền lợi còn nhiều hạn chế.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 90.000 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Xuất khẩu lao động không những là phương thức để người lao động có việc làm, thoát nghèo, mà còn là phương thức chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. 

Thiếu cơ chế bảo vệ lao động xuất khẩu ảnh 1Nhiều người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài không biết đến các đơn vị tuyển dụng hợp pháp

Người lao động “đói” thông tin

Theo các chuyên gia lao động, mặc dù lực lượng xuất khẩu lao động có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng việc bảo vệ quyền lợi của người lao động vẫn còn nhiều bất cập. Khó khăn lớn nhất hiện nay là đa số người lao động xuất thân từ vùng nông thôn, có trình độ văn hóa và hiểu biết thấp, nhiều hạn chế về ngôn ngữ, chưa được đào tạo nghề, không được phổ biến về pháp luật và phong tục của nước sở tại.

Bên cạnh đó, còn một bộ phận không nhỏ đi làm việc ở nước ngoài qua các kênh tự do: qua người thân, môi giới hoặc công ty xuất khẩu lao động không được thẩm định. Việc người lao động tự ý ra nước ngoài theo con đường “tiểu ngạch” không thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước gây ra nhiều rủi ro như phải làm việc trong môi trường độc hại, bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, đánh đập ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát vấn đề người lao động đi làm việc gặp phải trong quá trình làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động (tiến hành tại Phú Thọ, Thanh Hóa và Quảng Ngãi), kết quả chỉ ra, người lao động còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt thiếu những thông tin tin cậy về xuất khẩu lao động. Có đến 75% người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài không biết đơn vị tuyển dụng hợp pháp, 72% người lao động không có thông tin đầy đủ về điều kiện làm việc nơi đến, 61% không biết tổ chức, cá nhân để tìm hiểu thông tin và hầu hết người lao động không biết đầy đủ các khoản chi phí cũng như mức quy định đối với tiền môi giới, các khoản bồi hoàn…

Nâng cao vai trò của công đoàn

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực xuất khẩu lao động đã từng bước hoàn thiện song cơ chế bảo vệ người lao động khi bị chủ sử dụng lao động nước sở tại xâm hại quyền lợi còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay chưa được tổ chức công đoàn trực tiếp bảo vệ.

Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), pháp luật lao động hiện hành quy định việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài do các tổ chức kinh tế có giấy phép kinh doanh hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động thông qua các hợp đồng ký với đối tác nước ngoài. Việc giám sát, bảo vệ lợi ích của người lao động chủ yếu do các tổ chức kinh tế thực hiện. Tổ chức công đoàn chỉ thực hiện việc giám sát thông qua việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật.

Để phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động, tránh những thiệt thòi không đáng có, thời gian tới, các cấp công đoàn cần tạo lập mạng lưới, cung cấp thông tin và dịch vụ hỗ trợ cần thiết cho người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, tổ chức công đoàn phải tích cực đề xuất những nội dung pháp luật cần sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.