Thi tuyển công chức vẫn "đóng cửa" với người nghèo?

ANTĐ - Cả tuần mỗi ngày phải đi mấy chục cây số đến UBND huyện, chầu chực từ sáng đến chiều, thậm chí vào thẳng Phòng Nội vụ huyện để nộp hồ sơ thi tuyển công chức mà đến ngày chót vẫn “khóc ròng” vì không nộp được hồ sơ. 
Thi tuyển công chức  vẫn "đóng cửa" với người nghèo? ảnh 1

Minh họa: Internet

Có hôm may mắn gặp được người phụ trách tiếp nhận hồ sơ, thì ông cán bộ này chối đây đẩy không nhận hồ sơ của ứng viên với lý do hết giờ làm việc, hoặc bận đi họp. Đó là câu chuyện buồn xảy ra mới đây tại huyện An Dương, Hải Phòng. Giải thích cho tình trạng trên Trưởng phòng Nội vụ huyện An Dương cho rằng, nguyên nhân “do cán bộ phụ trách tiếp nhận hồ sơ bị ốm, còn tôi bận đi họp cả tuần”. 

Chẳng ai có thể tin được lý do mà ông Trưởng phòng Nội vụ này nêu ra, bởi nếu cán bộ bị ốm, bận thì phải bố trí người thay thế chứ không thể đóng cửa phòng làm việc từ ngày đầu đến ngày cuối của đợt tiếp nhận hồ sơ được. Dù ông Trưởng phòng nói đã bố trí cán bộ trực thay mình, nhưng khi được hỏi tại sao cửa phòng nhận hồ sơ vẫn đóng thì ông này giải thích: “Cán bộ này cũng đi họp cùng tôi?!”. Dư luận còn đặt câu hỏi tại sao chỉ tiêu tuyển công chức của huyện là 5, thì đến hết ngày nhận hồ sơ huyện mới nhận được đúng…5 hồ sơ dự tuyển vào những vị trí này? Vậy là 5 bộ hồ sơ này đã vừa với vị trí cần tuyển, còn những người muốn ứng tuyển khác thì cửa nộp hồ sơ còn chẳng có, nói gì đến thi tuyển.

Chuyện thi tuyển công chức như ở huyện An Dương thật ra không hiếm, nếu không muốn nói là vẫn còn khá phổ biến. Thi công chức, người ta vẫn thường hay gọi là “chạy công chức” là vì thế. Không chỉ “chạy công chức”, mà thôi thì cái gì cũng phải “chạy”, từ “chạy” trường, “chạy” lớp cho con, “chạy” điểm, “chạy” biên chế, “chạy” chức vụ… Nhiều nơi, người ta công khai “chạy” như một cái chợ, có giá cả cho từng vị trí hẳn hoi chứ chẳng phải giấu giếm gì. 

Suy rộng ra, “chạy công chức” chẳng những ảnh hưởng đến những người có năng lực, trình độ thực sự không bước chân được vào những cơ quan công quyền mà còn hàng loạt hệ lụy vô cùng lớn khác. Người vào công chức, lên chức, lên quyền bằng con đường này rồi lại xoáy vào các vòng “chạy” khác. Thế nên mức độ tham nhũng, chạy chọt càng tăng lên. Ngân sách Nhà nước thất thoát, bộ máy công quyền ngày càng phình to cũng vì vậy mà ra.

Chạy công chức được rồi thì lo thu vén cho cá nhân, lo thu kiếm để trả nợ “chạy” chứ cũng chẳng mấy người đã vì nhiệm vụ phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Thế nên bộ máy công quyền hoạt động kém, người dân mất lòng tin, không ủng hộ. Thật nguy hại.