Thị trường việc làm: Nhiều khoảng trống

(ANTĐ) - Theo các chuyên gia đánh giá, xung quanh vấn đề nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có một nghịch lý là: Việt Nam đang thừa lao động phổ thông, coi xuất khẩu lao động là “mũi nhọn” giải quyết việc làm nhưng vẫn phải nhập khẩu lao động nước ngoài “chất lượng cao”.

Thị trường việc làm: Nhiều khoảng trống

(ANTĐ) - Theo các chuyên gia đánh giá, xung quanh vấn đề nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có một nghịch lý là: Việt Nam đang thừa lao động phổ thông, coi xuất khẩu lao động là “mũi nhọn” giải quyết việc làm nhưng vẫn phải nhập khẩu lao động nước ngoài “chất lượng cao”.

Thua ngay trên sân nhà

Hội nhập kinh tế càng sâu rộng càng có nhiều thách thức và đòi hỏi trong lĩnh vực việc làm của Việt Nam. Cụ thể là, nhiều việc làm mới có năng suất cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng thị trường lao động ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Thành - Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sự cạnh tranh của lao động Việt Nam trên thị trường lao động trong nước và quốc tế sẽ gay gắt hơn. Đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực cao sẽ rất lớn. Thế nhưng, trình độ nhân lực nước ta rất thấp, tại các vị trí lao động đòi hỏi trình độ cao, chúng ta đang rơi vào tình trạng “thua ngay trên sân nhà”.

Nguồn cung lao động có tay nghề cao của Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng
Nguồn cung lao động có tay nghề cao của Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng

Ông Nguyễn Văn Thành cảnh báo, chất lượng lao động thấp sẽ dẫn đến chất lượng việc làm cũng thấp và thiếu ổn định. Việt Nam thiếu nhiều nhân lực trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng.

Hiện Việt Nam có khoảng 40.000 lao động nước ngoài nhập khẩu đang làm việc, TS Trần Đình Thiên - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Khoa học lao động xã hội) cho biết:  “Nếu chúng ta không đầu tư, nâng cao chất lượng cho lao động, chúng ta sẽ không đáp ứng được đòi hỏi của các dự án đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó vào Việt Nam vì chúng ta không đủ năng lực đón nhận. Như thế nghĩa là chúng ta tự bỏ lỡ cơ hội của mình”.

Đang có nhiều khoảng trống trên thị trường việc làm Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cũng nhận định: “Đó là về nghiên cứu hoạch định chính sách, tư vấn luật pháp, giảng viên đại học và dạy nghề, chuyên gia cao cấp về quản trị doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế và lao động kỹ thuật trình độ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hóa, công nghệ sinh học, dầu khí, năng lượng, kể cả thiếu chuyên gia kỹ thuật trình độ cao trong các doanh nghiệp”.

Làm gì để có nhân lực trình độ cao?

Chỉ tính riêng trong khoảng 3 năm qua, Việt Nam đã có hàng loạt dự án công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao đầu tư vào với số vốn lên tới vài tỷ USD. Đơn cử như Công ty Intel Việt Nam, các dự án tài chính, các khu công nghệ cao… Nhu cầu về kỹ sư, lao động có trình độ kỹ thuật sẽ rất nhiều. Theo đó, việc tiếp nhận nhiều dự án thì vấn đề đào tạo lao động càng trở nên bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, nguyên nhân chính của thực trạng này là người lao động chịu ảnh hưởng của nền lao động sản xuất nhỏ, manh mún để lại. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn khá cao. Lao động giản đơn thủ công, nặng nhọc với năng suất thấp và điều kiện lao động thấp kém còn phổ biến. Lao động chuyên môn kỹ thuật bậc trung trở lên chỉ chiếm khoảng 8%.

Bên cạnh đó, lao động Việt Nam lại thiếu tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo nhóm không cao… Muốn làm được điều này, cần phải tập trung xây dựng các trường dạy nghề trọng điểm chất lượng cao và trường Đại học đẳng cấp quốc tế. Quan trọng nhất là phải đổi mới quản lý theo mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo và gắn với nhu cầu của xã hội.

Muốn đáp ứng được nhu cầu về lao động chất lượng cao, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận xét, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó chú trọng vào cải cách chính sách huy động các nguồn lực bằng cách tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước đồng thời cải cách cơ chế phân bổ ngân sách; khuyến khích doanh nghiệp và nhân dân đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực; cải tiến khung pháp lý để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực vào nước ta...

Hồng Quân