Thi THPT quốc gia 2018: Thí sinh có hành vi gian lận sẽ có dấu hiệu không bình thường

ANTD.VN - Theo đại diện Bộ GD-ĐT, việc phát hiện thí sinh gian lận không khó nếu tất cả giám thị đều làm việc tập trung, hết trách nhiệm của mình. Những thí sinh có hành vi gian lận sẽ có dấu hiệu không bình thường, Bộ đã tập huấn cho giám thị rất nhiều tình huống có thể xảy ra trong phòng thi và cách xử lý.

Hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia

Ông Nam Nhật Minh, Phó phòng Quản lý thi (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) cho biết, đến thời điểm này Bộ đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương và hiện mọi công tác đã trong trạng thái “sẵn sàng”.

Năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi và đủ điều kiện là 925.792 (năm 2017 là 866.000 thí sinh). Cả nước có tổng cộng 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi.

Hiện Bộ GD-ĐT cũng tổ chức tập huấn với 63 Sở GD&ĐT trên cả nước để thống nhất cách tổ chức kì thi. Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay, công tác thanh tra được phân tuyến rất rõ sao không chồng chéo giữa thanh tra Bộ, Sở gây hiệu quả thấp.

Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an toàn kỳ thi THPT quốc gia 2018 với hơn 925.000 thí sinh dự thi

Hơn 4.000 thanh tra giám sát thi

“4.000 cán bộ thanh tra thi năm nay đều không phải là cán bộ thanh tra chuyên nghiệp mà là các cán bộ của phòng đào tạo, phòng khảo thí, một số cộng tác viên thanh tra của các Sở. Chúng tôi đã yêu cầu các Sở phải chọn những người nghiêm túc, hiểu biết về quy chế thi, trực tiếp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra của 63 Sở, bảo đảm không những nắm chắc được quy chế thi mà phải nắm được nghiệp vụ thanh tra và đặc biệt phải có tinh thần thái độ, tinh thần trách nhiệm cao. Lực lượng này chúng tôi đã chỉ đạo và qua kiểm tra ở các Sở thấy rất nghiêm túc”, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Bằng khẳng định.

Về việc phòng ngừa, phát hiện gian lận thi cử, ông Bằng cho rằng việc gian lận diễn ra ở nhiều nơi, không cứ ở Việt Nam. Để giảm việc này, Bộ GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền, để thí sinh và cả giám thị làm thi đều phải nghiêm túc.

Thí sinh có thể vi phạm quy chế như mang tài liệu vào phòng thi, chép bài của thí sinh khác, hay tinh vi hơn là sử dụng các thiết bị công nghệ cao để truyền đề thi ra ngoài và tuồn đáp án vào trong phòng thi.

Chánh Thanh tra Bộ cũng cho rằng, việc phát hiện thí sinh gian lận không khó nếu tất cả giám thị đều làm việc tập trung, hết trách nhiệm của mình. Những thí sinh có hành vi gian lận sẽ có dấu hiệu không bình thường, Bộ đã tập huấn cho giám thị rất nhiều tình huống có thể xảy ra trong phòng thi và cách xử lý. Quan trọng nhất vẫn là tinh thần, thái độ của giám thị. Giám thị nghiêm túc thì kỳ thi mới diễn ra nghiêm túc.

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, Bộ luôn có phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an để chỉ đạo và xử lý sự cố sao cho nhanh nhất. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị tất cả các Sở nên có công an cùng được tập huấn về việc triển khai quy chế thi.

Hết chiêu ăn gian làm bài vào giờ chuyển tiếp

“Như năm trước có phản ánh có những thí sinh ghi lại đề vào thẻ dự thi, hộp bút, thậm chí ngăn bàn… để tranh thủ làm tiếp vào giờ bài thi môn sau. Năm nay những dấu hiệu này sẽ được cán bộ coi thi kiểm soát và thu lại”- ông Minh cho biết.

Để ngăn chặn tình trạng “ăn gian” giờ làm bài là kết thúc mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp, giám thị sẽ thu lại giấy nháp thi, đề thi, mọi vật dụng mà thí sinh có thể ghi chép liên quan đến đề thi của môn thi thành phần trước.

Bộ GD-ĐT cũng đã quán triệt, yêu cầu giám thị nghiêm túc giám sát, nếu phát hiện có thí sinh làm việc này (có dấu hiệu chép đề thi ra mặt bàn hay vật dụng nào đó) thì phải nhắc nhở, yêu cầu xóa hoặc thu ngay những vật dụng đó, để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, khách quan với mọi thí sinh.

Ngoài ra, thời gian cách nhau giữa các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp sẽ rút ngắn xuống còn 10 phút thay vì 20 phút như năm ngoái.