Thi tay nghề - Muốn đoạt giải phải đầu tư “chui”

ANTĐ -  Câu chuyện hậu trường của thí sinh Việt Nam tham gia kỳ thi nghề tầm cỡ quốc tế cho thấy sự chênh lệch lớn giữa mức chi ngân sách với kinh phí thực tế. Nhiều chuyên gia chia sẻ để đoạt giải, một thí sinh dự thi tay nghề khu vực cần được đầu tư 35 triệu đồng, gấp đúng 10 lần chi ngân sách.
Thi tay nghề - Muốn đoạt giải phải đầu tư “chui” ảnh 1
Nhiều trường không ngại đầu tư lớn cho thí sinh cọ xát trong các kỳ thi quốc tế


Một lần cắt tóc ma nơ canh mất đứt mười mấy triệu

Việt Nam đang chuẩn bị cho lần đăng cai thứ hai cuộc thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 tại Hà Nội. Nhiệm vụ đặt ra là giành giải Nhất toàn đoàn. Để đầu tư cho các thí sinh dự thi nghề, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, các khoản chi phải bỏ ra vượt xa so với mức đầu tư theo định mức chi ngân sách: “Nghề thiết kế kiểu tóc rất thu hút thí sinh. Tuy nhiên, để đầu tư cho thí sinh thi môn này, nhà trường phải bỏ ra gần 90 triệu đồng để mua 2 ma nơ canh. Mỗi lần thí sinh thực tập cắt tóc là nhà trường mất đứt mười mấy triệu đồng. Mức chi “khủng” này hoàn toàn không có trong khoản chi theo ngân sách cấp cho trường và bắt buộc trường phải chi “chui” từ các khoản thu khác”. Cũng theo ông Phạm Xuân Khánh, việc có sinh viên được chọn đi dự thi quốc gia, khu vực là vinh dự của nhà trường nhưng kéo theo đó là các khoản đầu tư không nhỏ: “Nhà trường đầu tư không dưới 30 triệu đồng cho một thí sinh dự thi trong khi ngân sách cấp là 3,5 triệu đồng”.

Chi đào tạo nhân tài quốc gia quá thấp

Hiện các thí sinh dự thi tay nghề ASEAN của Hà Nội chỉ được chi ở mức 50.000 đồng/ngày. Trước mức chi như vậy, ông Đỗ Trung Hai, Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND Hà Nội băn khoăn: “Các vận động viên thể thao thành tích cao hiện nay đã được nâng mức chi từ 180.000 đồng/ngày lên 250.000 đồng/ngày. Thi nghề khu vực cũng đem lại vinh dự cho quốc gia mà mức chi như vậy là quá thấp”.“Mức tiền này chi ăn thôi cũng chưa đủ chứ chưa nói đến các khoản sinh hoạt, học tập khác” - bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội lo ngại.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Loan, thí sinh Việt Nam trong kỳ thi tay nghề sắp tới có lợi thế là được làm quen sớm với thiết bị thi và đề thi sớm hơn năm trước. Tuy nhiên, hạn chế với thí sinh đoàn Việt Nam là thể lực kém, trình độ tiếng Anh chưa cao và bản lĩnh thi đấu chưa vững vàng, khả năng chịu sức ép công việc tại kỳ thi khu vực và quốc tế không tốt. “Có những bài thi kéo dài 18-20 tiếng. Nhiều thí sinh đã bị ngất giữa chừng, hoặc sức khỏe giảm sút dẫn tới kết quả không như mong đợi” - bà Loan chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Khánh với kinh nghiệm tham gia hướng dẫn nhiều kỳ thi nghề quốc tế và khu vực cũng nhận định, thí sinh Việt Nam có kỹ năng tốt, tinh thần cao nhưng nhược điểm là sức khoẻ yếu, chỉ sau 2, 3 ngày thi là đuối. “Điểm yếu thứ hai là thiếu tự tin do các em không được dạy từ phổ thông cách giao tiếp độc lập, phụ thuộc vào thầy, khi gặp tình huống khó, hay bị lúng túng, mất điểm” – ông Khánh chia sẻ. Để cải thiện các vấn đề này, ông Khánh cho rằng ngoài các khoản đầu tư tự nguyện của đơn vị đào tạo thì cần có cơ chế mở, mạnh dạn đầu tư hơn cho thí sinh tay nghề cao. 

Gặp mặt 15 thí sinh Hà Nội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10

Ngày 15-10, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, động viên 15 thí sinh Thủ đô trong tổng số 51 thí sinh dự thi tay nghề ASEAN sẽ diễn ra ngày 23-10. Kỳ thi này được đánh giá nhằm định hướng cho lao động trẻ trong nước và khu vực làm chủ được chuyên môn với kỹ năng đỉnh cao theo nhu cầu của ngành sản xuất, mang lại cho họ những giá trị đích thực trong cuộc sống. Kỳ thi thu hút gần 300 thí sinh đến từ 10 nước thành viên ASEAN với khoảng 190 chuyên gia tham gia công tác giám khảo. Kỳ thi diễn ra với 25 nghề, trong đó có 23 nghề tổ chức thi chính thức và 2 nghề lần đầu tiên tổ chức thi trình diễn: Rô bốt di dộng, bảo trì máy thiết bị công nghệ cao.