Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn
“Thẻ nhà báo hiện hành vẫn giữ nguyên giá trị”
(ANTĐ) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Đỗ Quý Doãn vừa chính thức nhậm chức Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô một số công việc trước mắt về lĩnh vực quản lý báo chí.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn |
- Cục Báo chí đã chuyển sang Bộ TT&TT, vậy công tác quản lý Nhà nước về báo chí liệu có gì thay đổi không?
- Nội dung công việc đã được xác định rõ, nên dẫu ở bất cứ Bộ nào, Bộ VHTT trước đây hay Bộ TT&TT bây giờ thì cũng phải căn cứ trên những nhiệm vụ và Luật Báo chí, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Báo chí. Đồng thời, các nghị định, quyết định về tổ chức bộ máy của các Bộ cũng quy định rất rõ về quản lý báo chí.
- Thẻ nhà báo đang lưu hành hiện nay vẫn mang dấu của Bộ VHTT, vậy khi chia tách và sáp nhập các Bộ thì có sự thay đổi thẻ Nhà báo hay không?
- Việc cấp thẻ nhà báo cho 15.000 nhà báo, đó là giấy chứng nhận hành nghề, là việc không đơn giản. Trong lúc chưa có một hình thức thẻ nào để thay thế của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp thì thẻ cũ vẫn giữ nguyên giá trị. Còn thời hạn để sử dụng thẻ đó như thế nào thì hoàn toàn do quy định của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Nhưng theo chúng tôi, chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng thẻ đó cho đến lúc có quy định mới. Cần phải có thời gian, sau khi Bộ TT&TT với chức năng, nhiệm vụ và bộ máy đã ổn định, chúng tôi sẽ thông báo chính thức tới các cơ quan, địa phương, đơn vị trên toàn quốc về giá trị của thẻ để các nhà báo đều có thể hoạt động nghề nghiệp một cách thuận lợi.
- “Số phận” của một số tờ báo trực thuộc các Bộ và cơ quan ngang Bộ đã sáp nhập sẽ được quyết định ra sao, thưa ông?
- Đây là một vấn đề đang được đặt ra. Vì trong chiến lược phát triển thông tin Việt Nam đến năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt về mặt bằng các cơ quan báo chí của các Bộ, ngành, địa phương đã quy định rất rõ. Về nguyên tắc, chúng ta phải tuân thủ theo chiến lược đã được phê duyệt.
Còn thực trạng hiện nay, hai đến ba Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ nhập lại đã tồn tại tới 2-3 cơ quan báo chí trong một Bộ. Chúng tôi sẽ họp bàn về vấn đề này để tìm cách giải quyết sao cho phù hợp nhất, bảo đảm sự ổn định cho các cơ quan báo chí khác vẫn hoạt động, mặt khác, tất cả các quy định về pháp luật cũng phải bảo đảm đúng, phù hợp với chiến lược đã đề ra, không gây sự xáo động lớn.
- Luật Báo chí sẽ tiếp tục được sửa đổi như thế nào, đã được thực hiện tới đâu rồi thưa ông?
- Kế hoạch sửa đổi luật do Thường vụ Quốc hội đề ra, trong năm 2007 phải tập trung mấy việc: tổ chức ban soạn thảo, tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí của Chính phủ, trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất cần sửa đổi, sau đó mới bắt tay vào xây dựng nội dung sửa đổi bổ sung.
- Cảm ơn ông!
Phú Vinh thực hiện