Thể hiện rõ quyết tâm chống tham nhũng

ANTD.VN - Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Việc ban hành quy định này đã và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tất cả đều kỳ vọng và mong muốn quy định này được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, qua đó tạo ra bước chuyển mới trong công tác chống tham nhũng. 

Trước đó, kê khai tài sản được xem là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, được quy định chặt chẽ trong các quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của tổ chức Đảng. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, công tác này chưa thực sự hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc đã kiểm tra, giám sát nhưng chưa đầy đủ, chưa thành hệ thống bài bản.

Trên thực tế, báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, qua xác minh hơn 400 trường hợp trong tổng số hơn 1 triệu cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập nhưng chưa phát hiện trường hợp nào thiếu trung thực. Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của nhiều bộ, ngành đều khẳng định thực hiện nghiêm túc, đúng quy định trong việc minh bạch thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức. Có thể nói, đây là những báo cáo với số liệu rất đẹp, nhưng lại khó thuyết phục được dư luận. 

Khó thuyết phục là bởi không ít trường hợp cán bộ, lãnh đạo sở hữu khối tài sản “khủng”, trị giá cả trăm tỷ đồng gồm cổ phiếu, bất động sản… nhưng nguồn gốc bất minh. Nhiều cán bộ lợi dụng quyền hạn, chức vụ để vun vén cho bản thân, vơ vét tiền của cho đầy túi. Những trường hợp tham nhũng chỉ bị phanh phui khi đã “lún sâu” vào hàng loạt sai phạm trong cả quá trình dài, vậy mà  hàng năm, công tác kê khai, giám sát vẫn được thực hiện hết sức đều đặn  nhưng không phát hiện điều gì bất thường. 

Mặt khác, việc kê khai tài sản vẫn tiến hành đều đặn nhưng những bản kê khai này chỉ nằm trong “ngăn kéo” khiến dư luận nghi ngờ về tính minh bạch, chính xác và tính trung thực của những bản kê khai ấy. 

Việc ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của Bộ Chính trị được xem là bước đi tạo ra sự công khai, minh bạch. Việc kiểm tra, giám sát sẽ có lộ trình kế hoạch, khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ vì lý do nào đó thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành.

Việc kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực hoặc khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản. Một điểm quan trọng nữa là trường hợp phát hiện kê khai tài sản không trung thực sẽ được công khai đầy đủ tới cơ quan báo chí và nhân dân. 

Việc ban hành quy định kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý  được dư luận đánh giá là thể hiện rõ tinh thần, quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nói như đại biểu Quốc hội khóa XIV Lưu Bình Nhưỡng thì việc đưa vào chương trình giám sát kê khai tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao là quyết định quan trọng để thực hiện chủ trương làm trong sạch đội ngũ cán bộ nắm vị trí, trọng trách lớn nhất của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước và là tuyên ngôn quan trọng về thái độ của Đảng với việc chống tiêu cực, chống tham nhũng.