Thấy gì khi chấm điểm chính quyền?

(ANTĐ) - Sự chuyển giao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền Trung ương tới chính quyền địa phương đang diễn ra mạnh mẽ, các tỉnh được chủ động, linh hoạt điều hành phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lợi thế phân cấp vẫn chưa được vận dụng tốt ở nhiều địa phương. Điều này đã lý giải phần nào khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh trong bảng xếp hạng PCI về năng lực cạnh tranh của 64 tỉnh, thành được công bố vừa qua.      

Thấy gì khi chấm điểm chính quyền?

(ANTĐ) - Sự chuyển giao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền Trung ương tới chính quyền địa phương đang diễn ra mạnh mẽ, các tỉnh được chủ động, linh hoạt điều hành phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lợi thế phân cấp vẫn chưa được vận dụng tốt ở nhiều địa phương. Điều này đã lý giải phần nào khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh trong bảng xếp hạng PCI về năng lực cạnh tranh của 64 tỉnh, thành được công bố vừa qua.      

Khoảng cách giữa các tỉnh ngày càng xa

PCI là chỉ số đánh giá toàn diện nhất của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về khả năng điều hành của chính quyền địa phương, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) thực hiện hàng năm.

Năm 2007, 10 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng là Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Bình Định, Lào Cai, An Giang, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh. 10 địa phương đứng cuối bảng là Đắk Nông, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Bạc Liêu, Lạng Sơn, Kon Tum, Hà Tĩnh, Bắc Kạn và Ninh Thuận.

Có thể thấy rõ chênh lệch rõ rệt giữa các tỉnh, thành lân cận nhau, cùng khu vực như giữa Lào Cai và Lai Châu, Điện Biên, giữa Bình Dương và Ninh Thuận, giữa Vĩnh Long và Bạc Liêu. Các tỉnh phía Nam liên tục xếp hạng cao hơn so với các tỉnh miền Bắc, nhất là vấn đề tiếp cận đất đai, chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Tại Diễn đàn Quản lý kinh tế địa phương, diễn ra ngày 15, 16-11 tại  Hà Nội,  ông Vũ Thành Tự Anh, đại diện nhóm nghiên cứu phân cấp ở Việt Nam (VNCI) đã dự báo, năm 2010, thu nhập của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ chỉ bằng 1/6 thu nhập của các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Khu vực tư nhân đã phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng thành công chỉ tập trung ở một số ít các tỉnh. 11/64 tỉnh chiếm khoảng 60% tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân và hơn 70% về đầu tư và doanh thu.

Lợi nhuận của các DN tại các tỉnh trong nhóm dẫn đầu cả nước cao hơn 50% so với các DN tương tự ở các tỉnh trong nhóm cuối bảng, đạt mức trung bình khoảng 112 tỷ đồng/DN.

Nếu không có những nỗ lực hỗ trợ các tỉnh kém hơn, cải thiện trong điều hành kinh tế, có thể, hiện tượng bất bình đẳng giữa các tỉnh sẽ tiếp tục được duy trì, khoảng cách chênh lệch về trình độ sẽ ngày càng tăng lên.

Nếu chính quyền tỉnh tăng 1 điểm cho tính minh bạch, doanh nghiệp sẽ có lợi thêm 30 triệu đồng
Nếu chính quyền tỉnh tăng 1 điểm cho tính minh bạch,
doanh nghiệp sẽ có lợi thêm 30 triệu đồng

Năng lực chính quyền là nhân tố quyết định

Phân cấp là việc làm cần thiết, có lợi cho địa phương. Nhưng trình độ, kỹ năng trong quản lý kinh tế hiệu quả đang là một hạn chế lớn của nhiều tỉnh, thành. Đây là nhân tố quyết định tới sự giàu lên hay nghèo đi của tỉnh, sự tăng trưởng của DN, mức sống của người dân được cải thiện ra sao.

Thứ hạng PCI, thước đo mức độ hài lòng của cộng đồng DN đối với chính quyền tỉnh là một minh chứng rõ rệt cho sự năng động, sáng tạo hay sự yếu kém của các quan chức địa phương.

Một tỉnh muốn cải thiện thứ hạng, sẽ cần chú trọng 4 vấn đề, tương ứng 4 chỉ số quan trọng nhất: chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, đào tạo lao động, tính năng động và tiên phong.

Trong đó, nếu như tính minh bạch tăng 1 điểm, các tỉnh dự đoán sẽ tăng 4,3% số DN, tăng  23% đầu tư mới và thêm khoảng 30 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi DN.

Sự “lên hạng” của một số tỉnh như Hà Tây từ thấp lên trung bình, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang từ trung bình vươn lên tốt... chính là thành quả nỗ lực cải cách của chính quyền tỉnh. Một ví dụ khác, năm 1990, Nghĩa Bình tách ra thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Từ đó, mỗi tỉnh đi theo một hướng phát triển riêng. Đến nay, Bình Định liên tục đứng trong nhóm 5 tỉnh được đánh giá tốt nhất cả nước, còn Quảng Ngãi chỉ xếp hạng 45/64, kể cả khi, tỉnh này đã có Khu Kinh tế Dung Quất được sự quan tâm, đầu tư mạnh.

Muốn rút ngắn khoảng cách này, nghiên cứu chỉ ra rằng, Quảng Ngãi cần phải nâng cao tính minh bạch và tiếp cận thông tin trong điều hành kinh tế.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Huỳnh, thành viên nhóm nghiên cứu PCI (VCCI) cho biết, đáng tiếc là không phải chính quyền tỉnh nào cũng phản hồi tích cực, có tỉnh thờ ơ, có tỉnh bị xếp hạng thấp thì... phản đối.

Dù rằng, địa phương nào dựa vào đường lối chung nhưng chủ động, sáng tạo, thân thiện với DN thì kinh tế của địa phương ấy được nâng lên rõ rệt. Nơi nào rập khuôn, phụ thuộc, cứ chờ sự thay đổi từ trên xuống thì nơi ấy trì trệ, kém phát triển.

Kết quả điều tra của VNCI về phân cấp tại 7 tỉnh, đại diện cho các khu vực gồm Vĩnh Phúc, Hà Tây, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Tiền Giang cho thấy, tính năng động thấp vẫn chiếm đa số.

VCCI cho biết, dù còn nhiều tồn tại, các DN vẫn lạc quan với 71% DN tư nhân có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh, 83% DN có kế hoạch xuất khẩu trong thời gian tới. Nhưng, số DN này kinh doanh thành công hay không, chắc chắn sẽ liên quan mật thiết tới tài điều hành của chính quyền địa phương trong cơ chế phân cấp.

Băng Dương