Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII
Thay đổi nhận thức hơn tăng thu
(ANTĐ) - Ngày 5-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường. Đối tượng chịu thuế và khung thuế cũng như làm thế nào để thuế không tác động tới mặt bằng giá cả... là những vấn đề chính được các ĐBQH quan tâm.
Không gia tăng thêm gánh nặng
Về khung thuế, một số ĐB lo ngại khi nguyên liệu chính phục vụ sản xuất và có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân như xăng, than đá nằm trong nhóm 5 đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Trong đó, mặt hàng xăng, dầu đang gánh nhiều loại thuế, phí khác nhau, nếu đánh thuế bảo vệ môi trường sẽ có tác động đến giá cả, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất, đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng nông thôn. ĐB Trần Hanh (Vĩnh Phúc), Lý Kim Khánh (Cà Mau), Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) đề nghị cân nhắc khung thuế với hai mặt hàng này để phù hợp với các giải pháp bình ổn kinh tế vĩ mô, tránh thuế chồng lên thuế, làm tăng thêm gánh nặng với người tiêu dùng.
Về mức tính thuế cụ thể cho từng đối tượng, ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) nêu, với cách tính thuế không căn cứ trên mức độ ô nhiễm khác nhau của nguyên liệu, sắc thuế không điều chỉnh được hành vi, nhận thức của người sử dụng nhằm lựa chọn nguyên liệu ít ô nhiễm thay thế cho nguyên liệu gây ô nhiễm nhiều hơn.
Ví dụ như rác thải, nước thải là loại ô nhiễm gây nhiều bức xúc vì chế tài chưa đủ mạnh để điều chỉnh nhận thức, nên có tình trạng doanh nghiệp chấp nhận nộp phí để được xả thải mà không chịu đầu tư hệ thống xử lý. ĐB Danh Út (Kiên Giang) kiến nghị, trong khi than phát thải CO2 lớn hơn xăng thì xăng chịu thuế 25% còn than chỉ chịu thuế 1%. Tương tự, dầu diezen gây ô nhiễm hơn xăng cũng chỉ thu bằng 1/2 xăng.
Rõ ràng tính công bằng và hợp lý phải được phân tích một cách khoa học thì luật mới thuyết phục. ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên- Huế) đề nghị, cùng với sắc thuế, nên nghiên cứu các khuyến cáo xã hội nhằm giảm bớt việc sử dụng nguyên liệu gây ô nhiễm.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường |
Nên thêm nhiều đối tượng chịu thuế
Đồng tình với nội dung dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng, trước mắt, chỉ nên quy định 5 nhóm hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường, bởi đây là sắc thuế mới, phức tạp. Ngoài ra, mục đích chính không phải để tăng thu ngân sách mà là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống vì sự phát triển bền vững.
Mặt khác, nếu mở rộng nhóm đối tượng chịu thuế sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa và đời sống của người dân trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Quy định nên để theo hướng mở, linh hoạt bổ sung thêm nhóm đối tượng sau này tùy theo điều kiện thực tế của đất nước. ĐB Đặng Văn Xướng nhấn mạnh: “Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng hình thức này”.
Tuy nhiên, nhiều ĐB Quốc hội lại có quan điểm Chính phủ cần rà soát, bổ sung thêm đối tượng chịu thuế là sản phẩm gây tiêu cực đến môi trường. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) đề nghị, làm rõ đối tượng chịu thuế là người làm ra hay người sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.
ĐB Nguyễn Lân Dũng phân tích, những sản phẩm bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học nên khuyến khích phát triển, không nên đánh thuế. Trong khi đó, hàng năm, phải mất tới 15.000 tỷ đồng và khoảng 5.000ha đất chôn lấp rác thải, mặc dù đã có công nghệ xử lý biến rác thải thành sản phẩm có lợi như phân bón sinh học, vật liệu xây dựng... Vì vậy, thuế nên “đánh” vào đối tượng làm ra sản phẩm gây ô nhiễm nhưng không chịu xử lý đúng quy định.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hồng nêu ví dụ điển hình là các loại chất tẩy rửa đang được sử dụng rộng rãi trong từng gia đình. Tuy lượng sử dụng ở mỗi gia đình không lớn nhưng tất cả đều được xả chung ra môi trường sẽ dẫn đến những tác động không thể lường hết. ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương đề nghị áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông. Theo ĐB Mỹ Hương, 70% ô nhiễm không khí là do phương tiên giao thông gây ra, chưa kể ô nhiễm khác như tiếng ồn, ùn tắc...
ĐB Hồ Trọng Ngũ (Ninh Thuận) cho rằng, một số ngành dịch vụ rất đáng đưa vào nhóm chịu thuế bảo vệ môi trường như hoạt động giết mổ, rửa xe... ĐB Bùi Thị Hòa (Đắk Nông) và một số ĐB khác đề nghị, bổ sung thuốc lá vào nhóm chịu thuế bảo vệ môi trường, vì khói thuốc chứa rất nhiều chất độc hại, là nguyên nhân của nhiều loại bệnh nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh khi hít phải khói thuốc.
Chính Trung