Thấp bé là do đâu?

ANTĐ - Phát triển chiều cao, tăng cường thể lực của thanh niên, không chỉ là mong ước của các bậc cha mẹ mà còn là mong mỏi, khát vọng của cả xã hội để có một thế hệ cường tráng xây dựng, kiến tạo đất nước vững mạnh, sánh vai với các quốc gia trong khu vực và thế giới. 

Những số liệu thống kê của một số cơ quan điều tra, trắc nghiệm về dinh dưỡng, sức khỏe cộng đồng công bố khiến dư luận không khỏi giật mình và lo ngại về tương lai giống nòi.

Theo đó, trong vòng 20 năm qua, chiều cao trung bình của nam nữ thanh niên Việt Nam chỉ tăng khoảng 2cm. Ngay cả khi “đứng cạnh” thanh niên một số nước ASEAN, thanh niên Việt Nam cũng “thấp bé, nhẹ cân” hơn, nếu không muốn nói là “còi cọc” nhất. Thậm chí , lớp cầu thủ bóng đá quốc gia cũng như vận động viên Việt Nam tiêu biểu cho tầm vóc, sức mạnh của một quốc gia 93 triệu dân cũng đều “đuối” về chiều cao, thể lực, khả năng tranh đua so với các đối thủ cao to, sung mãn.

Nghiên cứu khoa học của các chuyên gia chỉ ra rằng, mặc dù chế độ dinh dưỡng, chất lượng, bữa ăn của người Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt trong hơn hai thập kỷ qua, song điều đáng quan tâm là chiều hướng ăn quá nhiều thịt, ít rau xanh, thiếu canxi, nhất là người dân ở thành phố đang ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, tình trạng lười vận động, không thường xuyên rèn luyện, tập thể dục, chơi thể thao của lớp thanh niên là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trì trệ, “chậm lớn” đúng vào giai đoạn phát triển, cải thiện chiều cao lý tưởng nhất.

Song, điều nguy hại hơn là, ở vào “tuổi ăn, tuổi lớn”, một bộ phận đáng kể thanh niên trong đội quân lao động trẻ, đông đảo, kể cả sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, học nghề đang sa chân vào “ngõ cụt” bia, rượu, thuốc lá. Việt Nam đã được “bình chọn” và xếp hạng là “cường quốc” tiêu thụ 2 loại đồ uống có cồn ở châu lục, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản. Với “kỷ lục” một năm sử dụng tới 3 tỷ lít bia, cộng với khoảng  600-700 triệu lít rượu, chắc chắn lớp trẻ đã “đóng góp” một phần không nhỏ.

Tác hại của việc dùng bia rượu đã quá rõ, nhất là đối với thanh niên, lại “cộng hưởng” với tình trạng hút thuốc lá đã và đang có chiều hướng lây lan, thực sự là hồi chuông cảnh báo cho cả xã hội, từ trong mỗi gia đình, đến trường học cũng như các cơ quan quản lý, khi mà những thứ độc hại này đang “tấn công” vào thế hệ trẻ. Chúng không chỉ bào mòn, hủy hoại sức khỏe, giảm sức học tập, lao động, khả năng sáng tạo, cống hiến cho gia đình, xã hội, mà còn để lại những hậu quả ngay trước mắt và lâu dài.

Không thể ngoảnh mặt trước một thực trạng đáng buồn, rất đáng lo ngại. Vóc dáng của thanh niên Việt Nam gần như thấp nhất châu Á; tỷ lệ sử dụng bia, rượu, thuốc lá thuộc loại đứng đầu, trong khi năng suất lao động của nước ta lại “được” xếp hạng thấp nhất. Đâu phải vì thiếu ăn, chính là vì thiếu vận động nhưng lại thừa rượu, bia, thuốc lá khiến phần lớn thanh niên Việt Nam “thấp bé, nhẹ cân”. Nếu không coi đây là nỗi hổ thẹn của một thế hệ, của một dân tộc thì vài chục năm sau, khó có thể ngẩng cao đầu, sánh vai với các nước láng giềng, chứ chưa nói tới Âu - Mỹ.