Tháo "rào chắn" luồng tuyến

ANTĐ - Một trong những điểm nóng bức xúc và cũng là điểm nghẽn gây trở ngại cho hoạt động vận tải hành khách cần phải được tháo gỡ, đó là tình trạng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải “xin xỏ” chấp thuận luồng tuyến (thường gọi là nốt)...

Đây có thể nói là một loại giấy phép con mà Bộ GTVT coi là rào cản hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hành khách. Giấy phép con này tác động tiêu cực tới chất lượng dịch vụ hành khách trên các tuyến giao thông vốn đã bị dư luận và khách hàng kêu ca, phản ứng trong thời gian qua. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc chấp thuận luồng tuyến đã từng là công cụ quản lý tốt.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý đã được cải tiến, công khai, minh bạch, việc phát triển luồng tuyến đã có quy hoạch rõ ràng thì có thể bỏ quy định phải có chấp thuận của 2 đầu tuyến. Lãnh đạo Bộ GTVT còn cho rằng, giữ quy định chấp thuận khai thác tuyến là giữ cơ chế xin - cho, tạo điều kiện cho phát sinh tiêu cực, gây cản trở, khó khăn, tốn kém thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp…

Từ đường hướng chỉ đạo của lãnh đạo ngành giao thông, các chuyên gia giao thông và giới doanh nghiệp cùng gặp nhau ở một điểm: phải sớm tháo rào chắn luồng tuyến, nhắm tới cái đích cao nhất là phục vụ hành khách tốt nhất.  Không có con đường “tắt” nào khác là phải tổ chức đấu thầu “nốt” giữa các doanh nghiệp có đủ tiềm lực cả tài chính và năng lực quản lý, điều hành. Chất lượng xe, chất lượng đội ngũ người cầm lái đương nhiên phải đặt lên hàng đầu với tiêu chí số 1 là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho  hành khách trên từng cây số.

Mặc dù hình thức đấu thầu chưa phải là lối thoát tối ưu nhất, song từ viên thuốc chữa bệnh tới các dự án, công trình đều phải qua “cửa” đấu thầu. Thế nhưng, dư luận xung quanh việc “đi đêm, bán cái” ở chỗ này, chỗ kia cũng đã râm ran lâu nay. Vì vậy, công tác đấu thầu “nốt” trong vận tải hành khách liên tỉnh cần tránh “vết xe đổ” đó.

Công khai, minh bạch phải là tiêu chí được đề cao hết mức và kết quả thực tế như thế nào còn phụ thuộc rất lớn vào sự “cầm lái”, năng lực điều hành, quản lý của cơ quan chức năng. Giảm bớt thủ tục hành chính, đấu thầu để tháo “rào chắn” luồng tuyến là đúng, song hành khách trông chờ, hy vọng chủ yếu vào khâu “hậu” đấu thầu, tức là công khai, minh bạch, cắt giảm thủ tục phải đem lại chất lượng dịch vụ tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn, không để xảy ra tình trạng độc quyền hay doanh nghiệp cố tình sai phạm và giúp giảm bớt tai nạn giao thông... chứ không phải điều ngược lại.