Đại biểu Quốc hội:

Thanh tra chồng chéo như vòng kim cô kiềm tỏa doanh nghiệp

ANTD.VN -Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiều 23-5, ĐB Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) cho rằng, sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra như vòng kim cô kiềm tỏa sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp.

Cũng theo ĐB Trần Thị Hiền, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 20 chấn chỉnh hoạt động thanh tra kiểm tra đối với doanh nghiệp để phần nào giải tỏa những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện rõ tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp cũng như sự cần thiết phải luật hóa vấn đề này. Sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra kiểm tra làm méo mó quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước.

Việc xem xét thông qua Dự án Luật này là cơ hội quan trọng để Quốc hội thể hiện sự đồng hành cùng Chính phủ trong hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc luật hóa vấn đề thanh tra kiểm tra doanh nghiệp. Bởi, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gồm cả không hành động và hành động. Điều này nhằm tiết giảm sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động bình thường của doanh nghiệp, cần phải được quy định trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quang cảnh phiên họp

Còn theo ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) quy định hỗ trợ về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Dự thảo còn mang tính hình thức, chưa dẫn chiếu đến các quy định liên quan nên thiếu khả thi trong thực tế. Bên cạnh đó, nội dung liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo còn chung chung, dẫn đến cách hiểu không thống nhất, thiếu tính minh bạch.

ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu, Dự thảo quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn giảm phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn từ tư vấn viên trong lĩnh vực sản xuất chế biến. Như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác sẽ không nhận được hỗ trợ.

Liên quan đến quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Tô Văn Tám kiến nghị cần bổ sung thêm hành vi lợi dụng việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trục lợi. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Hải (đoàn Hà Giang) cho rằng, cần rà soát đầy đủ nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong các văn bản hiện hành tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Về trách nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần quy định cụ thể về nghĩa vụ hoàn trả chi phí hỗ trợ trong trường hợp vi phạm hoặc lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi theo quy định pháp luật về dân sự, hành chính, hình sự. Việc này tuy nhỏ nhưng rất quan trọng, nhằm tránh việc lợi dụng chính sách để được nhận hỗ trợ không đúng đối tượng hoặc doanh nghiệp “mãi muốn nhỏ mà không muốn lớn”!

Về vai trò của những người thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ĐB Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) nhận định, việc hỗ trợ có kịp thời, đúng nơi đúng chỗ và  bằng hay không phụ thuộc chính đội ngũ cán bộ công chức thực thi chính sách. Tuy vậy, hiện vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, doanh nghiệp phải mất chi phí “bôi trơn” để được hưởng các chính sách hỗ trợ. Do đó, ngoài việc quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, Dự thảo cần bổ sung trách nhiệm cá nhân, cán bộ công chức khi thực hiện chính sách.

Còn theo ĐB Võ Đình Tín (đoàn Đăk Nông), Dự thảo quy định về điều kiện hỗ trợ nhưng không nói rõ về trình tự, thủ tục, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ. Bên cạnh đó, đối với chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, để Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khả thi cần sửa đổi các Luật về đất đai, thuế và những quy định có liên quan.

Phát biểu giải trình các ý kiến thảo luận của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hứa sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát lại Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉnh sửa, bổ sung các quy định cần thiết, đồng thời khẳng định, chúng ta sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện quan điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí theo quy định và có khả năng phát triển tốt. Tuy vậy, đây không phải là hỗ trợ trực tiếp mà thông qua các tổ chức trung gian. Về thuế, Dự án Luật này sẽ không quy định các mức thuế cụ thể mà chỉ đưa ra nguyên tắc chung thấp hơn mức thuế phổ thông quy định trong Luật thuế…