Thành tích ảo và giả
(ANTĐ) - Những ngày này là dịp các Bộ, ngành, các cơ quan, công ty, doanh nghiệp tổ chức tổng kết cuối năm. “Đến hẹn” lại báo cáo thành tích, báo cáo kết quả những kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Trong hầu hết các bản báo cáo tổng kết, dường như đều được dập theo một khuôn mẫu giống như bài “văn mẫu” của học sinh. Phần mở đầu thường kể lể khó khăn, thử thách, thuận lợi.
Trong đó, khó khăn bao giờ cũng lấn át thuận lợi. Khó khăn chủ quan và khách quan. Phần quan trọng nhất, “nặng ký” nhất là báo cáo thành tích, con số thành tựu đã giành được năm này cao hơn năm trước, đơn vị mình cao hơn đơn vị khác trong Bộ, ngành. Đây chính là phần chiếm nhiều thời gian nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và cũng được... vỗ tay nhiều nhất.
Phần “lép vế” nhất trong các báo cáo tổng kết, chính là nói về yếu kém, khuyết điểm, tồn tại. Bao giờ cũng có một cụm từ. Bên cạnh những thành tích đáng phấn khởi vẫn còn tồn tại một số yếu kém”... Rất hiếm thấy một bản báo cáo nào làm ngược lại quy trình muôn thuở này. Tức là nói nhiều, nói thẳng, nói thật yếu kém, nhược điểm; phân tích, mổ xẻ đến nơi đến chốn.
Có lẽ vì cả người nói lẫn người nghe đã quá quen nói, quen nghe những chuyện “êm tai’. “Trối tai” một chút là không chịu được, khổ thế! Ai chẳng thích thành tích, thành tựu, thành công, nhưng phải là thành tích thật chứ không phải là thành tích “ảo”, thành tích giả. ảo thì gây ảo tưởng. Giả còn nguy hiểm và nguy hại hơn gấp bội. Có thể dẫn chứng hàng loạt thành tích “ảo” và giả.
Trong khi cả nước phấn đấu cật lực mới đạt tốc độ tăng GDP 8,5%, vậy mà hầu hết các địa phương đều báo cáo GDP cao hơn rất nhiều, thậm chí có những địa phương mà nông nghiệp còn chiếm hơn 1/2 GDP năm 2007 bị thiệt hại lớn do thiên tai, dịch bệnh.
Một số địa phương báo cáo thành tích diện tích rừng trồng mới cao đến mức đáng nghi ngờ. Đến khi cộng dồn toàn bộ diện tích trồng mới của địa phương này thì mới sửng sốt nhận ra rừng mới trồng trong nhiều năm lớn hơn cả diện tích của tỉnh. Theo số liệu của cả nước phấn đấu chật vật thì phải đến tận năm 2010 mới đạt tỷ lệ độ che phủ rừng của năm... 1945, tức là 42%. Thành tích ảo, thành tích giả thật đáng sợ.
Lại có không ít địa phương khi báo cáo về dân số thì đều đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra về giảm tỷ lệ sinh. Đến khi báo cáo về số lượng dân thì ít có địa phương nào lại thấp hơn dữ liệu của Tổng cục Thống kê. Nếu đem cộng con số của các địa phương lại thì cao hơn số liệu của Tổng cục hàng nửa triệu người.
Con số công bố chính thức dân số nước ta hiện nay là 85 triệu người chứ không phải hơn 84 rưỡi! Thành tích ảo và giả không thể giấu mãi như cái kim trong bọc cũng có lúc lòi ra. Ngay cả tình trạng nhập siêu cũng vậy. Nếu năm 2006 nhập siêu chưa tới 5,1 tỷ USD và chỉ bằng 12,7% kim ngạch xuất khẩu; kế hoạch năm 2007 đề ra cũng chỉ trên 5 tỷ USD, vậy mà cả năm qua nhập siêu đã vượt trên 12 tỷ USD.
Cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này vẫn mạnh miệng tuyên bố “không có vấn đề gì” và khi đề cập đến nguyên nhân thì lại “quy tội” tại khách quan. Còn có thể kể ra không ít báo cáo thành tích ảo và giả như tình hình lãi, lỗ của doanh nghiệp, việc công bố tốc độ tăng giá tiêu dùng...
Cái giá phải trả để xóa sạch bệnh thành tích ảo và giả, thật đau đớn cho dân, cho nước. Nó không chỉ khuyến khích tính thiếu trung thực, giả dối mà còn gây nguy hại cho nền kinh tế, làm xói mòn lòng tin của người dân.
Đan Thanh