Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường

ANTD.VN - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) được thành lập nhằm hướng tới hoạt động chính quy, hiện đại. Bộ máy được tổ chức tinh gọn và hoạt động hiệu quả.

Lực lượng quản lý thị trường sẽ được tinh gọn về tổ chức và hoạt động hiệu quả hơn

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 12-10-2018. 

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất.

Mặc dù thành lập Tổng cục QLTT nhưng quan điểm của là giữ ổn định, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ máy Tổng cục ở trung ương được tổ chức tinh gọn trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn từ Cục QLTT thuộc Bộ Công Thương, gồm 6 đơn vị: Văn phòng Tổng cục, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách - Pháp chế, Vụ Thanh tra - Kiểm tra và Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường. Tổng cục Quản lý thị trường là Tổng cục ngành dọc duy nhất hiện nay không tổ chức thành lập đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại địa phương, thành lập Cục QLTT cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục, có Đội QLTT cấp huyện trực thuộc Cục QLTT cấp tỉnh thay cho mô hình Chi cục trực thuộc Sở Công Thương hiện nay.

Cũng theo Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg và Đề án thành lập Tổng cục QLTT phê duyệt kèm theo, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương thực hiện sắp xếp các đơn vị trực thuộc Tổng cục ở địa phương theo lộ trình để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của QLTT địa phương, không để khoảng trống trong quá trình thực hiện chuyển giao, giảm thiểu xáo trộn về tổ chức, nhân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hoá, thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện kế hoạch chuyển giao nguyên trạng cơ quan QLTT ở địa phương; Chi cục được tổ chức thành Cục cấp tỉnh (63 Cục) và giữ nguyên mô hình Đội QLTT cấp huyện để bảo đảm ổn định hoạt động của cơ quan QLTT địa phương trong giai đoạn đầu thành lập Tổng cục.

Việc chuyển giao sẽ thực hiện xong trước ngày 12-10-2018.

Bước sang năm 2019, Bộ Công Thương xây dựng Đề án thành lập 19 Cục QLTT liên tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước tháng 12-2019. 681 Đội QLTT cấp huyện thuộc Cục cấp tỉnh cũng sẽ được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập thành các đội liên huyện, bảo đảm mục tiêu giảm 305 Đội (giảm 45%) đến năm 2020.

Gần đây, sau vụ việc Khaisilk, Con Cưng nghi bán hàng giả nguồn gốc xuất xứ... gây bất bình trong nhân dân, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của lực lượng QLTT. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng lực lượng này đã buông lỏng quản lý, chưa phát huy được vai trò của mình.