Thành lập Hội đồng khoa học đánh giá việc gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm

ANTD.VN - Tại cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng sáng 3/4, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính uỷ Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông tin về những hoạt động kỷ niệm và nhiệm vụ của đơn vị trong 50 năm (1969-2019) gìn giữ, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thành công lớn nhất và xuyên suốt 50 năm qua của Bộ tư lệnh là dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hoàn thành xuất sắc. Đến nay đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Việt Nam đã học tập, nghiên cứu, làm chủ hoàn toàn công nghệ giữ gìn thi hài Bác. 

Cũng tại buổi họp báo, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm đã ôn lại quá trình 50 năm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác. Trong đó, giai đoạn từ năm 1969 đến 1991, đặc biệt là trong 6 năm (1969-1975), nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác thực hiện trong hoàn cảnh rất khó khăn, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, nóng ẩm thất thường, kinh tế đất nước nghèo nàn, lại đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, nên khó khăn càng lớn hơn gấp bội. 

Trong 6 lần di chuyển thi hài Bác với biết bao vất vả, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ chuyên môn còn mỏng, trình độ nghiệp vụ còn có khoảng cách nhất định so với yêu cầu nhiệm vụ, song, đoàn 69-tiền thân của Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay đã triển khai thực hiện tốt nhất ngay từ những ngày đầu, giờ đầu.

Sau khi đón Bác về Lăng và mở cửa cho nhân dân vào viếng Bác (29/8/1975), nhiệm vụ bảo vệ thi hài Bác tiếp tục gặp nhiều khó khăn và trải qua 2 giai đoạn. Lần thứ nhất vào năm 1979, khi diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và lần thứ hai khi Liên Xô sụp đổ đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Lần thứ nhất, đơn vị đã phải tập trung triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thi hài Bác và Lăng của Người. Lần thứ hai, khi Liên Xô tan rã, không còn sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia, nguồn vật chất viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Xô Viết cũng bị cắt. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, lực lượng bác sĩ, kỹ thuật của Việt Nam từng bước khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhà nước cũng tích cực làm việc với các chuyên gia, đàm phán để phía Nga bàn giao toàn bộ dung dịch đang quản lý tại Lăng cho Việt Nam, đồng thời tăng cường mối quan hệ với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcova để chuyển đổi từ cơ chế viện trợ không hoàn lại sang thương mại.

Các nhà khoa học trong và ngoài quân đội của Vệt Nam cũng tập trung nghiên cứu sâu  về y học, sinh hoá, vi sinh vật, môi trường phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ chính trị.

"Giai đoạn đầu, việc làm thuốc cho thi hài Bác được chuyên gia Liên Xô giữ bí mật, đặc biệt là dung dịch, không để chúng ta tiếp xúc. Sau khi bạn làm xong, việc thu dọn vệ sinh giao cho Việt Nam, chúng ta đã tận dụng dung dịch còn lại ở bông gạc để nghiên cứu. Năm 1992, sau khi Liên Xô bàn giao, Việt Nam mới công khai lấy những dung dịch đó nghiên cứu để nếu không được cung cấp nữa thì tự sản xuất", Thiếu tướng Cao Đình Kiếm thông tin.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ông cho biết thêm, quá trình đàm phán được thực hiện từng bước, từ thuyết phục bàn giao dung dịch, sau đó tiếp tục đàm phán để Liên Xô đồng ý pha chế tại Việt Nam. "Lúc đầu bạn yêu cầu sau khi pha chế xong phải đem về Nga để kiểm tra xem có đủ tiêu chuẩn không, mãi đến năm 2004 mới đồng ý pha chế tại Việt Nam. Lúc này, Việt Nam chính thức tiếp nhận công nghệ pha chế dung dịch gìn giữ thi hài", Thiếu tướng Cao Đình Kiếm nói

Chính ủy Bộ tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết thêm, hệ thống thiết bị của Lăng được Liên Xô viện trợ hoàn toàn. Sau 45 năm sử dụng, Việt Nam đang cải tiến máy lạnh, dùng máy thế hệ mới để giảm nhân lực, năng lượng; nghiên cứu hạn chế thấp nhất tác động của ánh sáng.

Thông tin tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm cho biết, Bộ tư lệnh đang báo cáo Chính phủ thành lập Hội đồng khoa học Việt - Nga để đánh giá việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm.