Thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế còn phiền hà

ANTĐ -  Đó là đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI tại hội thảo "Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015" của Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát Thuế – Hải quan diễn ra chiều 12-12.

Thủ tục thuế, hải quan đã có những cải cách tích cực

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, về tình hình thực hiện các thủ tục hành chính, thông tin chính sách pháp luật về thuế tương đối dễ tiếp cận. Qua quan sát thực tế và tổng hợp từ các tổ chức hội viên, thành viên, có 70% các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh HTX cho biết các thông tin về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế là sẵn có, dễ tìm.

Tỉ lệ các đơn vị cho biết thông tin thủ tục hành chính thuế được cung cấp thống nhất hoặc cách bố trí cán bộ đón tiếp thuận tiện ở mức tương đối cao (khoảng 57%). 55% đánh giá biểu mẫu TTHC dễ hiểu. Tuy nhiên, mới chỉ 44% đánh giá thông tin được cơ quan Thuế cung cấp nhanh chóng, kịp thời. 

"Đáng chú ý, thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế là ba nhóm thủ tục được các hiệp hội doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà. Các phiền hà này có thể là thời gian giải quyết quá dài (68%) hoặc bị yêu cầu cung cấp thêm thông tin không cần thiết (54%)"- ông Đậu Anh Tuấn nói.
Báo cáo cũng cho thấy cán bộ ngành thuế đã có thái độ tích cực hơn đối với người nộp thuế, giao tiếp lịch sự, đúng mực, tôn trọng doanh nghiệp, 28% đơn vị đánh giá tốt và rất tốt và 55% đánh giá khá. Mặc dù vậy, ngành thuế vẫn còn nhiều không gian để cải thiện, nâng cao chất lượng cung cung cấp dịch vụ, làm tăng sự hài lòng của người nộp thuế với cơ quan thuế; chẳng hạn như về thái độ tận tình, chu đáo của của công chức thuế còn có 26% đánh giá là chưa tốt.

Tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế vẫn là quan ngại của nhiều Hiệp hội và Liên minh HTX. Tâm lý e ngại nếu không chi, doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử (như kéo dài thời gian, yêu cầu bổ sung giấy tờ) vẫn phổ biến (55%).
Đối với lĩnh vực hải quan, qua khảo sát cộng đồng doanh nghiệp, ba nhóm thủ tục hải quan được các hiệp hội và liên minh HTX đánh giá phiền hà nhất là: giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. 
Các phiền hà chính vẫn là thời gian giải quyết quá dài (69%) và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết (62%). Trong khi đó, về kỹ năng, chuyên môn của cán bộ, chỉ có 10-15 % đánh giá tốt, 40-50% đánh giá Khá, tùy từng lĩnh vực cụ thể. Lĩnh vực được đánh giá cao nhất là xác nhận hàng hóa ở khu vực giám sát, Thủ tục thông quan, Thủ tục kiểm tra thông quan. Tuy vậy, kỹ năng lắng nghe ý kiến khách hàng, hướng dẫn các thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế (tỉ lệ đánh giá tốt chỉ đạt 20%).
Tương tự như ở lĩnh vực thuế, doanh nghiệp vẫn rất lo ngại với chi phí không chính thức trong lĩnh vực hải quan do tâm lý không chi trả sẽ bị phân biệt đối xử (64%) như kéo dài thời gian hoặc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ.

Ông Đậu Anh Tuấn kết luận: "Mặc dù nhiều cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan đã có những bước tiến đáng kể, song vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi những hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa của ngành thuế và hải quan nhằm đảm bảo sự thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế và hải quan cũng như trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh".
Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc cải cách thủ tục thuế, hải quan theo tinh thần Nghị quyết số 19, nhưng TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện quản lý Trung ương (CIEM) cho hay: "Ngân hàng Thế giới đánh giá thuế có cải thiện về thứ bậc còn hải quan lại tụt mỗi năm một bậc”. 

Lý giải cho nhận định này, ông Nguyễn Đình Cung cho biết: “Chúng ta mới chỉ bàn tới lĩnh vực thông quan trong vấn đề cải cách Hải quan mà trong thủ tục Hải quan thì chỉ có 1/4 là thông quan, còn 3/4 thì là chuyên ngành do các cơ quan khác thực hiện”. 

Với nền kinh tế mở như Việt Nam, chỉ số cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan tác động tới hơn 333 tỷ USD. Một chuyên gia Hoa Kỳ của CIEM tính toán, nếu chúng ta giảm 1 ngày về việc thực hiện thủ tục này thì hàng năm tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở kiểm tra chuyên ngành, hiện nay có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam. Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực. “Chính việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành làm giảm tốc độ, gây khó khăn cho việc thông quan. Chúng ta cần kiểm tra kĩ hơn như kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra giám sát, ban hành văn bản” – Viện trưởng CIEM nói.
Liên quan tới thái độ, động lực làm việc của cán bộ thuế, ông Nguyễn Đình Cung chia sẻ: “Qua thực tế khảo sát nhiều doanh nghiệp, người ta nói "Không sợ Bộ trưởng mà sợ cán bộ trực tiếp thu thuế. Cán bộ nói doanh nghiệp sai là sai, nói doanh nghiệp đúng là đúng". Chính vì vậy, chúng ta cần trực tiếp làm rõ những vấn đề này”.
TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, mặc dù vẫn còn nhiều điểm mà ngành thuế và hải quan vẫn cần phải cải cách hơn nữa, nhưng việc cải cách của Bộ Tài chính đã đi đúng hướng và mong sẽ duy trì sự “gia tốc” này trong thời gian tới. Con 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ công chức tận tình với doanh nghiệp, vậy số còn lại mới chỉ hoàn thành phận sự của mình hoặc có thể còn gây khó dễ là rất đáng chú ý. VCCI sẽ sát cánh cùng Bộ Tài Chính để triển khai vấn đề này.