Quốc hội góp ý vào các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng:

Thẳng thắn nhìn nhận tình hình Biển Đông, minh bạch công tác nhân sự

ANTĐ - Ngày 23-10, Quốc hội thảo luận tại đoàn về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Bên cạnh những vấn đề về kỹ thuật, nhiều ĐBQH hoan nghênh việc dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội đã lần đầu tiên đề cao vai trò của kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới, đồng thời có nhiều góp ý tâm huyết vào công tác chuẩn bị nhân sự đại hội, vấn đề Biển Đông…

Thẳng thắn nhìn nhận tình hình Biển Đông, minh bạch công tác nhân sự ảnh 1Đại biểu Bùi Thị An phát biểu tại tổ

Bổ nhiệm cán bộ phải minh bạch

Tại đoàn ĐBQH Hà Nội, ĐB Bùi Thị An cho biết, một trong những vấn đề bà quan tâm nhất chính là công tác nhân sự Đại hội. “Tôi mong muốn Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ chọn ra được Ban Chấp hành Trung ương gồm những người đủ đức, đủ tài để tiếp tục lãnh đạo Đảng, đất nước vững vàng trong thời kỳ mới. Nhưng trước hết, các đồng chí được chọn, bầu vào Ban Chấp hàng Trung ương Đảng khóa tới phải được đánh giá đúng năng lực thực sự, việc bầu chọn phải đúng quy trình, minh bạch chứ không quá quan trọng chuyện tuổi tác hay những vấn đề khác. Muốn đạt được như vậy, cách thức chọn nhân sự phải minh bạch, tiêu chuẩn cũng phải minh bạch” - ĐB Bùi Thị An chia sẻ. 

Tại đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, ĐB Lê Minh Thông cho rằng, công tác xây dựng Đảng trọng tâm vẫn phải lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá. “Gần đây, dư luận xôn xao về một số  trường hợp bổ nhiệm cán bộ trẻ. Chúng ta nói đã làm đúng quy trình, tại sao dư luận vẫn xôn xao? Trẻ hóa lãnh đạo cán bộ các cấp là một luồng gió mới, một làn sóng tốt, tại sao xã hội băn khoăn? Đây là điều chúng ta phải xem lại, vì liệu đã chọn được cán bộ khiến mọi người tâm phục, khẩu phục chưa. Tôi hy vọng thời gian chứng minh các đồng chí trẻ vừa được bổ nhiệm sẽ chứng tỏ được bản lĩnh của họ” -  ĐB Lê Minh Thông bình luận. 

Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), có thể ông sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình về công tác bổ nhiệm cán bộ. Ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ: “Bổ nhiệm cán bộ trẻ là rất tốt, xu thế rất hay nhưng giữa quy định pháp luật của Nhà nước với cái chúng ta làm theo  “quy trình rất đúng” lại là chuyện khác”.

Đánh giá đúng về tình hình Biển Đông

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) dành thời lượng khá lớn trong phần phát biểu của mình để góp ý vào nội dung về đánh giá tình hình Biển Đông trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII. Theo Bộ trưởng, ở nhiệm kỳ trước chúng ta đã nêu vấn đề này, ngay trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 10 mới đây, Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh “tình hình Biển Đông diễn biến nguy hiểm khó lường”.

“Nếu trước đây, chúng ta chỉ đánh giá là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo ngày càng gay gắt, thì giờ có thể thấy nguy cơ mất ổn định ở khu vực này lớn hơn nhiều. Phần về đánh giá tình hình, Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII cần phải nhìn thẳng vào sự thật như vậy” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị.

Tại đoàn ĐBQH  TP.HCM, ĐB Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, trong báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phần đánh giá tình hình thế giới và châu Á - Thái Bình Dương chưa nêu đầy đủ về nguy cơ trên Biển Đông. Theo ĐB, những sự kiện như Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông hay xây hải đăng, xây dựng những công trình có thể quân sự hóa… vừa qua là sự báo động, là một biểu hiện mới của tranh giành chủ quyền.

“Báo cáo chính trị chỉ đánh giá “tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt phức tạp” là chưa đủ. Nên bổ sung là “tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp, xuất hiện những thách thức mới đe dọa chủ quyền của đất nước, tự do và an ninh hàng hải” - ĐB Trương Trọng Nghĩa góp ý.

Thay đổi tư duy về các thành phần kinh tế

Bàn về các phương hướng, mục tiêu, giải pháp để phát triển kinh tế đất nước trong nhiệm kỳ tới, ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) và ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) đều đồng tình, hoan nghênh việc lần đầu tiên vị trí, vai trò kinh tế tư nhân đã được nâng tầm, thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Ngoài ra, một số đại biểu góp ý cần xác định rõ điểm then chốt trong phát triển kinh tế nước ta giai đoạn tới là phải chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ lượng sang chất, trong đó chú trọng thay đổi phương thức phân bổ nguồn lực, khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.