Tháng 3-2015: Chốt đăng ký thi THPT quốc gia

ANTĐ - Học sinh lớp 12 đang cân nhắc lựa chọn môn thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2015. Mặc dù, các trường vẫn phải dạy theo chương trình chung nhưng đều phải khảo sát, lên kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh những môn thi được lựa chọn. Được biết, tháng 3-2015, thí sinh sẽ chính thức đăng ký tối đa 8 môn thi.

Tháng 3-2015: Chốt đăng ký thi THPT quốc gia ảnh 1Thí sinh cần chú ý tới mục đích thi để đăng ký môn thi chính xác

Thí sinh vẫn lúng túng chọn môn thi

Đối với nhiều thí sinh, việc quyết định dự thi môn nào trong kỳ thi THPT quốc gia nhằm xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ lần đầu tiên được tổ chức năm 2015 vẫn là câu hỏi khó. Với quy định cho phép thí sinh có thể đăng ký tối đa 8 môn thi, các thí sinh có nhiều cơ hội để xét tuyển ĐH, CĐ hơn nhưng cũng khiến cho việc tập trung học tập bị ảnh hưởng bởi dàn trải quá nhiều môn thay vì 3 môn cho mỗi khối thi truyền thống như các năm trước.

Hiện tại, các trường THPT đang tập trung lên kế hoạch ôn thi cho học sinh lớp 12. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cho biết, học sinh lớp 12 ngoài việc đảm bảo giờ học theo khung chương trình thì đều phải định hướng môn thi sẽ đăng ký cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới để giáo viên có kế hoạch ôn tập.

 “Giáo viên dạy lớp 12 năm nay xác định là không có nghỉ hè vì phải tập trung ôn thi cho học sinh. Như các năm trước, thi tốt nghiệp THPT kết thúc vào đầu tháng 6, cuối tháng 6 là tuyển sinh lớp 10, xong là được nghỉ hè vài tuần. Năm nay, lịch thi tốt nghiệp vào tháng 7 nên việc ôn thi sẽ kéo dài. Tuy nhiên, vì đây là kỳ thi quan trọng nên giáo viên đều mừng vì có thêm thời gian một tháng so với dự kiến ban đầu của Bộ GD-ĐT để học sinh, giáo viên có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi với nhiều đổi mới năm nay” – bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết.  Được biết, kết quả khảo sát 360 học sinh lớp 12 trường THPT Phan Huy Chú ở thời điểm này thì môn Vật lý và Địa lý có tỷ lệ đăng ký cao nhất: 65,65% và 32,41%. Môn Lịch sử 18,1%, thấp nhất là Sinh học 4,16%.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng đã khảo sát 350 học sinh lớp 12 của trường. Theo đó, học sinh của trường này chủ yếu sẽ xét tuyển khối D (63,81%), tiếp đến là A1 (13,97%) với tỷ lệ lựa chọn môn thi cao nhất là Địa lý: 76,51%. Tuy nhiên, các con số này vẫn tiếp tục thay đổi bởi thí sinh vẫn chưa chính thức đăng ký môn thi cho tới tháng 3-2015.

Đăng ký nhưng có thể không thi

Điều mà các chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh dự thi năm nay là việc lựa chọn quá nhiều môn  sẽ khiến các em khó tập trung để đạt kết quả thi tốt nhất. Bên cạnh đó, thí sinh có thể yên tâm hơn khi đăng ký môn thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ khi không bắt buộc phải thi tất cả các môn thi đã đăng ký. Theo các chuyên gia tuyển sinh, đối với việc xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi đủ 4 môn theo quy định và không thể bỏ, nếu bỏ môn nào đó sẽ không được xét tốt nghiệp THPT. Tương tự, thí sinh bắt buộc phải thi đủ những môn tương ứng với môn thi điều kiện để xét tuyển ĐH, CĐ. 

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, trong tháng 3-2015, thí sinh sẽ đăng ký môn thi cho kỳ thi THPT quốc gia. Học sinh đang học tại nơi nào sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường mình học. Tuy nhiên, phiếu đăng ký dự thi năm nay có điểm mới là lựa chọn mục đích đăng ký dự thi: xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét ĐH, CĐ hay chỉ xét vào ĐH, CĐ. Thí sinh cần chú ý, nếu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét ĐH, CĐ thì bắt buộc phải đăng ký 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Bên cạnh đó, tùy vào môn xét tuyển của ngành ĐH, CĐ thí sinh muốn xét mà chọn thi thêm môn phù hợp. Thí sinh tự do chỉ cần đăng ký dự thi 3 môn hoặc nhiều hơn theo môn xét tuyển của ngành mà mình muốn xét tuyển.