Thận trọng khi thực hiện chủ trương lớn

(ANTĐ) - Ngày 4-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở tổ về những nội dung xung quanh Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND cấp xã.

Thí điểm việc bỏ HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã:

Thận trọng khi thực hiện chủ trương lớn

(ANTĐ) - Ngày 4-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở tổ về những nội dung xung quanh Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND cấp xã.

Vai trò của HĐND các huyện trong việc phát triển kinh tế xã hội nông thôn bị đánh giá là mờ nhạt, cần thay đổi
Vai trò của HĐND các huyện trong việc phát triển kinh tế xã hội nông thôn bị đánh giá là mờ nhạt, cần thay đổi

Làm rõ cơ sở pháp lý

Tại buổi thảo luận ở tổ sáng 4-11, đa số các ĐB tán thành cơ bản những đề xuất của Chính phủ về việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, các ĐB còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi và những hệ quả của việc thực hiện đề án. Một số ý kiến ĐB đề nghị Chính phủ làm rõ hơn cơ sở pháp lý vì sao bỏ HĐND mà vẫn duy trì các cơ quan, tổ chức khác thuộc hệ thống chính trị tại cấp chính quyền đó;

Vì sao lại bỏ HĐND phường, là cấp cơ sở, trực tiếp trong quan hệ Nhà nước, công dân; Vì sao chỉ thí điểm Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên của UBND phường... “Nội dung đề án chưa thuyết phục trong việc đưa ra luận cứ để thực hiện việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện. Vì vậy, cần đánh giá toàn diện kết quả hoạt động của cơ quan này để nêu lên việc không cần thiết tồn tại” - Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Hà Nội) yêu cầu.

Một số ĐB còn nêu ý kiến cho rằng chính vì chưa có đánh giá, nên Đề án chưa đề cập đến HĐND các đơn vị tương đương là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh.

Xoay quanh việc thí điểm nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã, hầu hết các ĐB đều bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về nhiều vấn đề liên quan như truyền thống văn hóa đặc thù ở nông thôn Việt Nam và mặt bằng dân trí liệu có đáp ứng được việc này?

Việc nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch xã liệu có dẫn đến việc Chủ tịch UBND xã chỉ là đại diện cho lợi ích của một bộ phận như dòng họ, thị tộc và chưa chắc đã là người có tài, đức để lo cho dân, cho nước. Nhiều ý kiến ĐB cũng cho rằng nội dung Đề án chưa đề cập cụ thể đến một số vấn đề về quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã và mối quan hệ của chức danh này với HĐND xã.

“Nội dung đề án cần nêu rõ hơn các vấn đề liên quan như nhiệm kỳ Chủ tịch xã là bao lâu; ai bầu cấp phó của Chủ tịch UBND xã và cơ chế bãi miễn...” - đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đề nghị.

Đột phá trong cải cách hành chính?

Nhiều ĐB đồng tình với quan điểm của Chính phủ khi đưa ra Đề án là việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nhằm có thêm kinh nghiệm thực tiễn cho việc nghiên cứu tổ chức lại chính quyền địa phương theo hướng giảm cấp trung gian, tinh gọn bộ máy và đặc biệt khắc phục sự trùng lặp về nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan.

Một số ĐB nhấn mạnh tới việc tổ chức lại bộ máy theo Đề án, sẽ góp phần phân định rõ trách nhiệm, vị trí của chính quyền các cấp trong hệ thống cơ quan Nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của chính quyền mỗi cấp.

Mặt khác, vẫn bảo đảm tính thông suốt, thống nhất và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống hành chính Nhà nước. Ngoài ra, việc bầu trực tiếp Chủ tịch UBND cấp xã sẽ tạo điều kiện cho nhân dân lựa chọn, giới thiệu và bầu người đại diện cho nhân dân điều hành công việc của cơ quan hành chính ở cấp cơ sở; tăng cường vai trò của nhân dân trong việc xây dựng và giám sát bộ máy Nhà nước; đồng thời mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở.

Nhiều ý kiến ĐB đánh giá việc thực hiện Đề án chính là một bước đột phá trong cải cách hành chính. “HĐND cấp quận, huyện tồn tại nhiều năm qua đã phát huy được hiệu quả nhất định trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, nhất là việc giám sát chủ trương chính sách của Đảng đến cơ sở.

Nhưng trong thời điểm hiện nay, cơ cấu bộ máy tổ chức Nhà nước đến cấp quận, huyện cần đổi mới và hoàn thiện để phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Đề án thí điểm thực hiện việc không tổ chức HĐND cấp quận, huyện là việc cần thiết!” - ĐB Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) phát biểu.

Theo tờ trình, việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường sẽ được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố (483 phường, 32 quận và 69 huyện); Thí điểm dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã sẽ được tổ chức tại 385 xã (thuộc 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Về vấn đề này, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng thí điểm cần thận trọng.

Trong báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, Tờ trình của Chính phủ chưa chỉ rõ được nguyên nhân thực sự của những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của HĐND; Đề nghị chỉ nên thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã. Thận trọng trước việc thí điểm một chủ trương lớn, các ĐBQH cũng cho rằng đây là việc hoàn toàn mới, rất hệ trọng và nhạy cảm.

Hà Trang